Thúc đẩy hợp tác toàn diện với các đối tác quan trọng ở Châu Âu
Ánh Huyền (Tổng hợp) -  
(VOV5) - Từ ngày 13 đến 15/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiến hành thăm chính thức Vương quốc Bỉ, Liên minh châu Âu (EU) và Cộng hòa liên bang Đức.
Chuyến thăm nhằm trao đổi phương hướng, biện pháp thúc đẩy quan hệ toàn diện, thực chất và hiệu quả giữa Việt Nam và các đối tác quan trọng ở châu Âu, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Chuyến thăm cũng tiếp tục thể hiện chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện, đóng góp chủ động, tích cực của Việt Nam đối với các vấn đề mà thế giới quan tâm.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến sân bay Brumil Brussels bắt đầu chuyến thăm chính thức Vương quốc Bỉ (Ảnh: vov.vn) |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Vương quốc Bỉ, EU và Cộng hòa liên bang Đức theo lời mời của Thủ tướng Vương quốc Bỉ Elio Di Rupo, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Manuel Baroso và Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Angela Merkel. Đây là một hoạt động đối ngoại quan trọng của Việt Nam trong năm 2014.
Hợp tác kinh tế là điểm sáng trong quan hệ song phương Việt Nam-Bỉ
Điểm đến đầu tiên trong chuyến thăm một loạt các quốc gia Châu Âu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần này là Vương quốc Bỉ. Thời gian qua, quan hệ Việt Nam-Bỉ tiếp tục có những bước phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực. Chỉ xét riêng khía cạnh kinh tế, quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Vương quốc Bỉ liên tục gia tăng. Tuy Bỉ là một thị trường nhỏ nhưng quan hệ thương mại giữa hai nước ở mức cao so với nhiều nước EU và châu Âu khác, đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai quốc gia đạt 1,8 tỷ USD trong năm 2013, tăng 17% so với năm 2012. 6 tháng đầu năm 2014, con số này đạt khoảng 1,2 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp của Bỉ vào Việt Nam đạt trên 155 triệu USD. Việt Nam là nước châu Á duy nhất nhận viện trợ phát triển của Bỉ (khoảng 78 triệu USD cho giai đoạn 2011-2015). Hiện hai bên đang tập trung hợp tác trong những lĩnh vực ưu tiên như phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển và dịch vụ hậu cần, giao thông vận tải, công nghệ xanh, y tế, giáo dục…
Chuyến thăm chính thức Vương quốc Bỉ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng theo lời mời của Thủ tướng Bỉ Elio Di Rupo góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác song phương giữa 2 nước trên các lĩnh vực, nhất là hợp tác trong lĩnh vực cảng biển, dịch vụ kho vận, tăng trưởng xanh, công nghệ cao, viện trợ phát triển.
Triển khai Kế hoạch hành động chiến lược Việt Nam-Đức
Là một trong 6 thành viên EU có quan hệ đối tác chiến lược, Đức tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong Châu Âu. Kim ngạch thương mại hai chiều trong 6 tháng đầu năm 2014 đạt khoảng 3,6 tỷ USD. Tính đến tháng 8/2014, đầu tư trực tiếp của Đức vào Việt Nam đạt 1,25 tỷ USD với 232 dự án còn hiệu lực, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất thiết bị, năng lượng, hóa chất, y dược… Đức cam kết cung cấp 100 triệu USD viện trợ phát triển cho Việt Nam trong giai đoạn 2014-2015, tập trung vào 3 lĩnh vực ưu tiên là môi trường, năng lượng và dạy nghề. Ông Chu Tuấn Cáp, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Đức, cho rằng: "Nếu nhìn lại quan hệ hai nước thời gian qua, thấy rằng có sự phát triển liên tục. Tất cả các doanh nghiệp lớn của Đức đều đã có mặt tại Việt Nam. Rất nhiều những doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng vậy. Doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu triển khai hoạt động ở Đức, đó là điều rất đáng mừng. Với tư cách là một nền kinh tế lớn nhất trong EU, Đức đang tích cực thúc đẩy EU công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Đó là sức mạnh lớn lao đặt lên cán cân ủng hộ Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường trong EU".
Năm 2015, hai nước sẽ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1975-2015). Với chuyến thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Đức của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Kế hoạch hành động chiến lược Việt Nam-Đức sẽ được thúc đẩy, quan hệ hợp tác giữa 2 nước trong các lĩnh vực lao động, đào tạo nghề, giáo dục và các dự án đã lớn đã ký kết chắc chắn cũng được triển khai tích cực hơn.
Làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam-EU
Với EU, quan hệ Việt Nam và liên minh này phát triển ngày càng thực chất và toàn diện với việc hai bên chính thức ký Hiệp định khung Đối tác và hợp tác toàn diện (PCA) và đang hướng tới kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (EVFTA). Trao đổi thương mại song phương liên tục tăng từ 15-20% hằng năm. Trong 6 tháng đầu năm 2014, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 17,5 tỷ USD (tăng khoảng 13% so với cùng kỳ năm 2013).
Do Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 6 nước thành viên EU, nên EU ngày càng khẳng định vai trò đối tác hàng đầu của Việt Nam về thương mại, đầu tư và viện trợ phát triển. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, đã có 23/28 nước thành viên EU đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt gần 18,4 tỷ USD. EU và các nước thành viên là nhà tài trợ song phương lớn thứ hai về vốn ODA và là nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam. Đại sứ Việt Nam tại Bỉ và EU Phạm Sanh Châu khẳng định: "Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã thúc đẩy được rất tích cực về nhiều mặt với EU. Bên cạnh thương mại tăng thì chuyển giao công nghệ rất tích cực và quan trọng nhất là Việt Nam vẫn giữ được ODA. Bởi vì hiện nay ODA của một số nước thành viên có thể giảm nhưng EU với tư cách là một liên bang thì vẫn tiếp tục tăng. Đó là điều đặc biệt".
Trong bối cảnh quan hệ tốt đẹp đó, chuyến thăm EU của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhằm trao đổi phương hướng hợp tác Việt Nam-EU trong thời gian tới, thúc đẩy sớm kết thúc đàm phán EVFTA và thảo luận về việc tăng cường phối hợp tại các diễn đàn đa phương như Liên Hợp Quốc, ASEM, ASEAN-EU.
Tiếp nối những hoạt động đối ngoại sôi động từ đầu năm đến nay, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Vương quốc Bỉ, CHLB Đức và Liên minh Châu Âu chắc chắn mở ra nhiều triển vọng mới trong quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các đối tác ở Châu Âu./.
Ánh Huyền (Tổng hợp)