(VOV5) - Chuyến thăm Thái Lan của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần này là dịp để hai nước thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống cũng như cụ thể hóa hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược.
Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayuth Chan-o-cha, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam lên đường thăm chính thức Thái Lan từ ngày 17 đến 19/8/2017.
Chuyến thăm là dịp để hai nước đánh giá về những hoạt động hợp tác song phương thời gian qua, trao đổi phương hướng và thống nhất các biện pháp thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới.
Quốc kỳ hai nước Việt Nam - Thái Lan
|
Đây là chuyến thăm chính thức Thái Lan đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị Thủ tướng Chính phủ. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan tiếp tục được củng cố và ngày càng phát triển tốt đẹp. Thời gian qua, Thái Lan rất coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam, chủ động thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Năm ngoái, hai nước đã triển khai nhiều hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ Việt Nam-Thái Lan.
Quan hệ Đối tác chiến lược phát triển sâu rộng
Quan hệ hữu nghị Việt Nam – Thái Lan dần đi vào ổn định và được củng cố sau khi Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN vào năm 1995. Hai bên đẩy mạnh hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, trong đó Thái Lan tận dụng lợi thế giàu tài nguyên, thị trường tiêu thụ lớn của Việt Nam, đặc biệt là việc Việt Nam thúc đẩy phát triển nền kinh tế thị trường. Trong hai thập kỷ gần đây, hai quốc gia đã nỗ lực điều chỉnh các chương trình và hoạt động phát triển cấp quốc gia để đạt được hiệu quả hợp tác cao nhất.
Đến nay, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á mà Thái Lan xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược và cả hai đang nỗ lực cùng nhau xây dựng mối quan hệ đó thêm bền chặt. Thời gian qua, Việt Nam và Thái Lan thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao. Qua các chuyến thăm này, sự tin cậy chính trị giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển. Hai nước đã tổ chức thành công nhiều cơ chế hợp tác như Nội các chung, Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác song phương, Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao. Kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược tháng 6/2013, hai nước đã ký kết Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan giai đoạn 2014-2018; nâng quan hệ lên Đối tác chiến lược tăng cường tại cuộc họp nội các chung năm 2015.
Về an ninh và quốc phòng, hai bên tiếp tục duy trì cơ chế họp Nhóm công tác chung về hợp tác Chính trị - An ninh Việt Nam-Thái Lan; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tội phạm môi trường. Hai bên cũng tích cực thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực không quân, hải quân; trao đổi thông tin tình báo, tuần tra chung trên biển; triển khai đối thoại chính sách quốc phòng cấp thứ trưởng…
Trong ASEAN, Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là đối tác xuất khẩu lớn thứ 2 của Thái Lan, với tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm ngoái đạt 12,5 tỉ USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan đạt 3,7 tỷ USD. Riêng nửa đầu năm nay, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt gần 7 tỷ USD, tăng trên 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai bên đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 20 tỷ USD vào năm 2020. Về đầu tư, Thái Lan hiện là quốc gia đứng thứ 10/116 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, với 458 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt gần 8,2 tỷ USD. Hai bên còn đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực lao động và đang triển khai hợp tác đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Thái Lan. Trong hợp tác giữa các địa phương hai nước, hiện có 16 tỉnh, thành phố của Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác hoặc kết nghĩa với các địa phương Thái Lan. Hai bên cũng hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc, ASEAN, hợp tác tiểu vùng; hợp tác trong APEC.
Chuyến thăm làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược
Quan hệ song phương giữa Việt Nam và Thái Lan đang tiến đến một tầm cao mới với sự tham gia mạnh hơn của các yếu tố mang tính chiến lược và kinh tế. Cùng là thành viên của cộng đồng ASEAN và các tổ chức tiểu vùng khác, Thái Lan và Việt Nam được ví như một "động cơ lõi kép" có thể giúp nâng tầm kinh tế khu vực, đồng thời tạo ra công bằng xã hội và ổn định tại tiểu vùng sông Mekong. Mỗi quốc gia đều có các hành lang kinh tế riêng kết nối với Myanmar, Lào và Campuchia. Sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước trong ASEAN, cũng như với các đối tác lớn ngoài khu vực đã tạo ra động lực mới cũng như khẳng định tầm ảnh hưởng tại khu vực.
Chuyến thăm Thái Lan của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần này là dịp để hai nước thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống cũng như cụ thể hóa hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường giữa hai nước, đưa mối quan hệ hai nước phát triển hơn nữa, ngày càng thiết thực và đi vào chiều sâu.