(VOV5) - Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Cộng hòa Haiti Laurent Salvador Lamothe bắt đầu các hoạt động trong chuyến thăm chính thức Việt Nam 3 ngày, từ ngày 16-18/12/2012. Cùng với các cuộc tiếp xúc, hội đàm cấp cao với các nhà lãnh đạo Việt Nam, chuyến thăm này của Thủ tướng Haiti là cơ hội tốt để hai bên thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác, mở rộng cơ hội khai thác các tiềm năng góp phần vào sự phát triển của Haiti và Việt Nam.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đón Thủ tướng Haiti Laurent Salvador Lamothe. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN) |
Cộng hòa Haiti là quốc đảo thuộc khu vực Caribe, nằm trên phần phía Tây bán đảo La Espanola, phía Đông giáp Cộng hòa Dominicana. Haiti nằm trong số các nước kém phát triển, có trình độ phát triển kinh tế và mức thu nhập theo đầu người thuộc diện thấp ở Mỹ La tinh. Cơ cấu phát triển kinh tế đất nước của Haiti, nông nghiệp chiếm 25%, công nghiệp 16% và dịch vụ 59%. Trong đó các sản phẩm nông nghiệp chính của Haiti là cà phê, mía, chuối, ngô, khoai, lúa gạo. Haiti có các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, luyện kim, dệt may, chế tạo máy. Năm 2011, xuất khẩu của Haiti đạt hơn 720 triệu USD, trong đó 83% là xuất sang Mỹ. Các mặt hàng xuất khẩu chính là dệt may, ca cao, xoài, cà phê. Nhập khẩu 3,3 tỷ USD với các mặt hàng nhập khẩu chính gồm thực phẩm, máy móc thiết bị sản xuất, vận tải, nguyên nhiên liệu.
Việt Nam và Haiti thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 26/9/1997. Quan hệ chính trị giữa hai nước phát triển tốt tuy xa cách về địa lý. Đặc biệt, sau trận động đất 7 độ rích-te ngày 12/1/2010 tại Haiti làm trên 300.000 người chết, 3 triệu người mất nhà cửa, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã gửi điện chia buồn tới lãnh đạo Haiiti bày tỏ tình đoàn kết và thông qua Hội Chữ thập đỏ Việt Nam viện trợ cho Haiti 150.000 USD để khắc phục hậu quả.
Trong quan hệ kinh tế, do điều kiện và khoảng cách địa lý giữa hai nước nên quan hệ song phương còn ít. Quan hệ thương mại - đầu tư song phương hiện vẫn ở mức khiêm tốn nhưng vẫn tăng đều hàng năm. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2011 đạt 40 triệu USD (so với 11 triệu USD năm 2010), trong đó Việt Nam xuất 15 triệu USD và nhập 25 triệu USD. 6 tháng đầu năm 2012 đạt khoảng 19 triệu USD. Việt Nam nhập từ Haiti nguyên phụ liệu dệt may, da giày, bột giấy, phế liệu sắt thép, thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu chế biến thức ăn gia súc; Việt Nam xuất khẩu sang Hai-ti hàng dệt may, mây tre, gỗ và sản phẩm đồ gỗ, mì ăn liền, hóa chất, sản phẩm chất dẻo và hàng hóa khác. Năm 2010, Tập đoàn Viettel và Tổng công ty truyền thông Haiti (Teleco S.A) thành lập liên doanh viễn thông NATCOM S.A với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD trong đó Viettel góp 60% và đã đi vào hoạt động từ ngày 7/9/2011. Tính đến tháng 9/2012, NATCOM đã chiếm 20% thị trường mạng di động của Hai-ti. Hiện có trên 220 người Việt Nam làm việc tại Hai-ti
Mặc dù Haiti có số dân không lớn, có mức thu nhập bình quân đầu người thuộc diện thấp và là thị trường tiền năng, có nhu cầu phù hợp với một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, có tiềm năng hợp tác đầu tư trong các ngành viễn thông, xây dựng, dệt may, sản xuất thiết bị viễn thông, hàng điện tử gia dụng, sản phẩm nhựa, tái chế.... Việt Nam có thể trao đổi kinh nghiệm và hợp tác với Haiti trong các lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục, y tế... trên cơ sở vận dụng khuôn khổ hợp tác NAM-NAM và hợp tác ba bên. Việt Nam và Haiti cũng luôn duy trì quan hệ hợp tác tốt tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương. Hiện, Cộng hoà Haiti là thành viên của Liệp quốc, Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS), Cộng đồng Caribe (CARICOM), Hiệp hội các nước Caribe (AEC) và các tổ chức khác như Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Tổ chức lao động quốc tế (ILO).
Trong bối cảnh đó, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Haiti Laurent Salvador Lamothe sẽ là cơ hội tốt để hai nước trao đổi về các biện pháp thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam - Haiti, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, viễn thông, xây dựng, y tế... đồng thời trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm./.