Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Mông Cổ

(VOV5)- Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng thống Mông Cổ Tsakhiagin Elbegdorja thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ hôm nay, 21/11 đến ngày 24/11/2013.  


Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Mông Cổ - ảnh 1
Tổng thống Mông Cổ Tsakhiagin Elbegdorja. Ảnh: TTXVN

Chuyến thăm của người đứng đầu Nhà nước Mông Cổ tới Việt Nam diễn ra trong bối cảnh hai nước đang chuẩn bị kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (17/11/1954-17/11/2014), sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Mông Cổ, nhất là trong giai đoạn xây dựng, phát triển đất nước, hội nhập khu vực và quốc tế ở mỗi nước hiện nay.

Mông Cổ thuộc vùng Trung Á, phần lớn lãnh thổ là thảo nguyên, đồng cỏ và đồi núi. Kinh tế của Mông Cổ chủ yếu dựa vào ngành khai khoáng và chăn nuôi. Mông Cổ là một trong 10 quốc gia có nguồn khoáng sản giàu nhất thế giới và ngành công nghiệp chính là khai thác khoáng sản. Từ năm 1990, Mông Cổ chuyển sang kinh tế thị trường, thành phần kinh tế tư nhân chiếm trên 70% GDP. Tốc độ tăng trưởng kinh tế những năm gần đây luôn duy trì ở 2 con số, thu nhập bình quân đầu người năm 2012 là hơn 3.500 USD. Hiện tại, Mông Cổ có quan hệ thương mại với 120 nước và vùng lãnh thổ.

Nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp
Ngày 17/11/1954, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mông Cổ được thiết lập, đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước. Chuyến thăm chính thức Mông Cổ tháng 7/1955 của Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Chính phủ Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu và chuyến thăm Việt Nam của Bí thư thứ nhất Trung Ương đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Iu.Sedenban tháng 9/1959 đã đặt những viên gạch vững chắc đầu tiên cho mối quan hệ hữu nghị hai nước.

Trong gần 60 năm qua, Việt Nam và Mông Cổ luôn ủng hộ, giúp đỡ và phối hợp chặt chẽ với nhau trên con đường xây dựng và phát triển đất nước. Mông Cổ tích cực ủng hộ nhân dân Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Từ  năm 1956 đến 1990, Tổng viện trợ Chính phủ của Mông Cổ cho Việt Nam trên 200 triệu tugrik (khoảng hơn 200 nghìn USD), Mông Cổ giúp đào tạo cho Việt Nam trên 100 cán bộ khoa học kỹ thuật, chủ yếu là chăn nuôi, thú y. Đáp lại tình cảm đó, nhân dân Việt Nam đã tích cực giúp đỡ Mông Cổ dưới nhiều tình thức, cử nhiều chuyên gia sang gúp Mông Cổ khảo sát và phát triển giao thông, trồng trọt, sửa chữa nhà cửa và phục chế các di tích lịch sử. Việt Nam cũng đã viện trợ cho Mông Cổ lương thực, tài chính để giúp Mông Cổ khắc phục hậu quả thiên tai, xóa một phần nợ trong thanh toán thương mại, tiếp nhận và đào tạo sinh viên Mông Cổ trên nhiều ngành khác nhau.

Tăng cường hợp tác trong giai đoạn mới

Trong thời gian qua, các chuyến thăm và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước tiếp tục được duy trì. Giao lưu giữa các bộ, ngành diễn ra thường xuyên; hợp tác trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng có nhiều tiến triển. Mông Cổ luôn khẳng định coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam, coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tháng 12/2012, Việt Nam và Mông Cổ đã chính thức công nhận lẫn nhau có Quy chế kinh tế thị trường đầy đủ. Mặc dù vậy, quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Mông Cổ phát triển chưa được như mong muốn. Thương mại song phương duy trì ở mức thấp, kim ngạch hai chiều năm 2012 đạt 16,3 triệu USD (giảm 2,5 triệu USD so với năm 2011). Hai bên vẫn thường xuyên duy trì cơ chế Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Mông Cổ và phiên thứ 15 vừa được tổ chức tháng 3/2013 tại Hà Nội. Tại phiên họp này, hai bên nhất trí tìm nhiều biện pháp để tìm cách khắc phục các khó khăn về giao thông, điều kiện kinh tế của mỗi nước, chi phí vận chuyển, khả năng thanh toán và cung cấp hàng hóa, nghiên cứu các biện pháp nhằm đẩy mạnh hợp tác về kinh tế, phấn đấu nâng kim ngạch trao đổi thương mại hai nước.

Về hợp tác giáo dục, hai bên đã ký Hiệp định về hợp tác giáo dục giai đoạn 2013 -2016, theo đó hàng năm Việt Nam nhận đào tạo 15 sinh viên Mông Cổ và Mông Cổ đào tạo 5 sinh viên Việt Nam. Hiện tại, có khoảng 20 sinh viên Việt Nam học tập tại Mông Cổ và trên 50 sinh viên Mông Cổ đang học tập tại Việt Nam. Hai nước cũng đã có sự hợp tác tốt tại các diễn đàn của Liên hợp quốc.

Trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, hội nhập khu vực và quốc tế hiện nay, Việt Nam và Mông Cổ vẫn tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau trên các lĩnh vực. Cơ sở của mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước đã được thử thách gần 60 năm qua chính là động lực để hai nước tiếp tục hợp tác trên con đường xây dựng, phát triển đất nước ở mỗi nước. Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mông Cổ Tsakhiagin Elbegdorja lần này nhằm triển khai chính sách đối ngoại của Mông Cổ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mở rộng quan hệ với các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, đồng thời đưa quan hệ Việt Nam-Mông Cổ phát triển sâu rộng thời gian tới./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác