(VOV5) - Việc tạm giữ để điều tra, xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật là công việc cần thiết của các cơ quan chức năng để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật ở mọi quốc gia có chủ quyền.
Các cơ quan chức năng của Việt Nam vừa tạm giữ để điều tra xử lý một số đối tượng có hành vi tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Điều 88 và Điều 258 của Bộ luật Hình sự. Việc làm đúng đắn này là cần thiết để đảm bảo tính thượng tôn, nghiêm minh của pháp luật.
Ảnh minh họa (nguồn wiki)
|
Việc tạm giữ để điều tra, xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật là công việc cần thiết của các cơ quan chức năng để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật ở mọi quốc gia có chủ quyền. Tuy nhiên, một vài tổ chức phi chính phủ thiếu thiện chí với Việt Nam nhân việc này đã rêu rao vu cáo "Việt Nam vi phạm quyền tự do ngôn luận". Nực cười là họ còn đưa ra yêu cầu Việt Nam phải tuân thủ các nghĩa vụ và cam kết quốc tế, trả tự do cho các đối tượng bị bắt giữ. Điều này giống như là sự xuyên tạc, bịa đặt trắng trợn, không phản ánh đúng thực tế về hệ thống luật pháp của Nhà nước Việt Nam.
Pháp luật Việt Nam phù hợp với các công ước quốc tế
Trước hết phải khẳng định rằng Bộ luật Hình sự cũng như tất cả các đạo luật hiện hành khác của Việt Nam đều được Quốc hội thông qua và được ban hành dựa trên các nguyên tắc, trình tự xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có việc công khai lấy ý kiến của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Với phương thức này, hệ thống luật pháp của Việt Nam thể hiện rõ tinh thần dân chủ, phát huy trí tuệ của toàn dân, phản ánh ý chí, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, bảo đảm tính dân chủ, sự đồng thuận của xã hội và phù hợp với thực tế xã hội Việt Nam.
Ảnh minh họa (nguồn wiki) |
Hơn thế nữa, trong quá trình xây dựng pháp luật, Việt Nam luôn coi trọng việc nghiên cứu các công ước quốc tế đã tham gia để vận dụng phù hợp vào thực tiễn đất nước. Điều 2 của Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền được thông qua ngày 10-12-1948: “Mọi người đều được hưởng tất cả những quyền và tự do được công bố trong Bản tuyên ngôn này”, trong đó có quyền tự do ngôn luận, hoặc Điều 29 của Tuyên ngôn: “Trong khi hành xử những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra ngõ hầu những quyền tự do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng, những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an lạc chung trong một xã hội dân chủ cũng được thỏa mãn”, đều đã được Việt Nam vận dụng triệt để khi xây dựng hệ thống pháp luật của mình. Theo đó, mọi công dân Việt Nam khi thực hiện quyền tự do ngôn luận đều phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật, không làm ảnh hưởng đến quyền tự do của người khác, không làm tổn hại đến lợi ích của tập thể, của quốc gia, dân tộc.
Tương tự, Việt Nam cũng vận dụng Điều 19 của Công ước quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị do Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 16-12-1966 quy định: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận”. Tuy nhiên, việc thực hiện những quyền trên: “Kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt, chịu một số hạn chế nhất định. Những hạn chế này được quy định trong pháp luật và là cần thiết để tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác, bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”.
Tự do trong khuôn khổ luật pháp
Thực tiễn trên thế giới, không một quốc gia nào công dân có quyền tự do ngôn luận tuyệt đối, hiểu theo nghĩa muốn phát ngôn gì cũng được, mà quyền này thường bị hạn chế bởi các quy định rất chặt chẽ của pháp luật. Trên tinh thần cơ bản của công ước quốc tế, tại Việt Nam, mọi công dân đều có quyền bày tỏ chính kiến của mình, song rõ ràng là quyền này phải được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật, không xâm phạm đến lợi ích của người khác và lợi ích quốc gia, dân tộc. Điều 258 Bộ luật Hình sự quy định rõ tội phạm liên quan đến tự do ngôn luận bao gồm các hành vi: “Lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân...”.
Hành vi phạm tội của một số đối tượng liên quan đến các vấn đề môi trường của Việt Nam thời gian qua đã rất rõ ràng. Đó là những biểu hiện của chủ nghĩa tự do cực đoan, của tình trạng tự do gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia, dân tộc. Hành vi ấy không chỉ vi phạm pháp luật Việt Nam mà còn trái với Điều 29 của Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền và Điều 19 của Công ước quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị.
Luật pháp Việt Nam luôn tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do, trong đó có quyền tự do ngôn luận của công dân. Nhưng Việt Nam cũng kiên quyết xử lý mọi hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng các quyền đó để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, làm tổn hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc.