(VOV5)- Cử tri, nhân dân cả nước quan tâm, theo dõi phiên chất vấn với mong muốn Quốc hội tìm ra các giải pháp để đất nước tiến lên.
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII dành 2,5 ngày cho phiên chất vấn và trả lời chất các thành viên Chính phủ. Các đại biểu Quốc hội chất vấn 4 bộ trưởng. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ làm rõ thêm một số vấn đề trong chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Chất vấn là hoạt động giám sát quan trọng. Chất vấn là mang tiếng nói của cử tri, của người dân mà người đại biểu Quốc hội là đại diện, chất vấn các thành viên Chính phủ và các thành viên khác trong bộ máy Nhà nước, làm rõ những vấn đề mà dư luận quan tâm, cử tri bức xúc và đại biểu Quốc hội cũng quan tâm. Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận được 46 văn bản chất vấn với 61 câu hỏi của đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng Chính phủ và 15 bộ trưởng, trưởng ngành.
Đại biểu Quốc hội chất vấn
Các vấn đề đang được dư luận quan tâm đều được đưa ra chất vấn
Tại kỳ họp này, 4 Bộ trưởng trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ trưởng Bộ Công thương; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cuối phiên chất vấn vào sáng 13/6, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ làm rõ thêm một số vấn đề trong chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ông Lê Bộ Lĩnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Ủy viên đoàn thư ký của kỳ họp Quốc hội, cho rằng: “Lần này Quốc hội chất vấn 4 bộ trưởng, trong đó có 2 bộ trưởng về lĩnh vực kinh tế, 2 bộ trưởng về lĩnh vực khoa học công nghệ và giáo dục, đào tạo. Tôi cho rằng đây là những vấn đề rất cơ bản, cốt lõi đối với phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt vấn đề sản xuất gắn kết với thị trường tiêu thụ.”
Các vấn đề đưa ra chất vấn các thành viên Chính phủ lần này đều tập trung vào các vấn đề đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Đó là giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam đã và đang tham gia, ký kết nhiều hiệp định thương mại; tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh lưu thông hàng hóa do Việt Nam sản xuất; cơ chế điều hành giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, than; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, hiệu quả sử dụng ngân sách khoa học và công nghệ; biện pháp triển khai hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo dục phổ thông; đổi mới cách tổ chức kỳ thi quốc gia.
Sau chất vấn chương trình hành động phải được thực hiện cụ thể
Phiên chất vấn tại kỳ họp này có sự đổi mới, theo đó tất cả các báo cáo đều ngắn gọn, các bộ trưởng, trưởng ngành tập trung trả lời ngay vào vấn đề đã hỏi. Đại biểu Quốc hội cũng như các cử tri mong muốn các Bộ trưởng phải đưa ra được giải pháp cụ thể giải quyết vấn đề. Ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, cho rằng: “Điều quan trọng của chất vấn là phải xác định trách nhiệm cá nhân chứ không phải chất vấn để tìm hiểu thông tin. Sau chất vấn phải hành động và chuyển động, nếu không thì hoạt động chất vấn thiếu ý nghĩa.”
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng chương trình hành động thực hiện các nội dung của các Bộ trưởng sau trả lời chất vấn mới là thước đo giá trị với cử tri. Bà Nguyễn Thanh Hải, đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình, cho biết: “Đại biểu Quốc hội có thể chất vấn quanh năm chứ không chỉ tại kỳ họp Quốc hội. Tôi và nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là kết quả sau giám sát, trong đó có chất vấn. Kết quả chất vấn sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.”
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã tạo nên không khí cởi mở, thẳng thắn và dân chủ tại các kỳ họp Quốc hội. Mỗi kỳ họp Quốc hội, mọi vấn đề quan trọng của đất nước đều được đưa ra chất vấn, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Cử tri, nhân dân cả nước quan tâm, theo dõi phiên chất vấn với mong muốn Quốc hội tìm ra các giải pháp để đất nước tiến lên. Thời gian qua, nhiều ý kiến chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội đã được giải đáp, trả lời thẳng thắn trên tinh thần xây dựng và không ít “lời hứa” đã được thực hiện, trở thành hiện thực trong cuộc sống, tạo niềm tin cho cử tri, nhân dân cả nước./.