Diễn ra từ 22/10-24/10 tại thành phố Kazan, Liên bang Nga, Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) năm nay được kỳ vọng tiếp tục nâng tầm tổ chức này lên thành một cực quyền lực của thế giới phương Nam trong quan hệ quốc tế.
Khu vực tổ chức Thượng đỉnh BRICS ở Kazan trong ảnh chụp ngày 21-10 - Ảnh: Reuters |
Với chủ đề “Tăng cường chủ nghĩa đa phương vì sự phát triển và an ninh toàn cầu công bằng”, Hội nghị Thượng đỉnh BRICS năm nay tại Nga quy tụ lãnh đạo cấp cao 9 quốc gia thành viên BRICS (Nga, Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Ai Cập, Ethiopia, Iran, UAE), cùng hơn 20 nhà lãnh đạo các quốc gia đối tác và các tổ chức quốc tế.
Vị thế ngày càng tăng
Việc lựa chọn chủ đề của Hội nghị Thượng đỉnh BRICS năm nay thể hiện rõ các ưu tiên hành động mà nước Nga chủ nhà muốn thúc đẩy, liên quan đến 3 chủ đề lớn, gồm: chính trị-an ninh; kinh tế-tài chính và văn hóa-nhân văn.
Phát biểu trong buổi họp mặt báo giới trước thềm Thượng đỉnh, Tổng thống Nga, Vladimir Putin, khẳng định BRICS đang ngày càng có vai trò lớn hơn trong quan hệ quốc tế, thể hiện ở tất cả các khía cạnh kinh tế, địa chính trị, an ninh cũng như việc thúc đẩy sự giao lưu, hợp tác giữa các nền văn hóa. Về kinh tế, lĩnh vực nền tảng cho sự ra đời và phát triển của BRICS, vai trò gia tăng của BRICS thể hiện rõ nhất ở tỷ trọng của khối này trong kinh tế toàn cầu, cũng như động lực tăng trưởng mà khối này tạo ra.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong một sự kiện trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh BRICS. Ảnh: RIA NOVOSTI |
Tổng thống Nga, Vladimir Putin, nhấn mạnh: “Trong vòng 10 năm qua, hơn 40% tăng trưởng GDP toàn cầu là đến từ các quốc gia BRICS và theo các số liệu hiện tại của năm nay, tăng trưởng kinh tế trung bình của các nước BRICS là 4%, cao hơn mức tăng trưởng trung bình của nhóm các nền kinh tế phát triển G7 là 1,7% và cao hơn dự báo tăng trưởng trung bình toàn cầu là 3,2%”.
Vị thế mới của BRICS được nhìn nhận rõ ràng hơn trong tương quan so sánh với G7, đặc biệt khi biểu đồ tăng tiến của hai bên ngày càng có xu hướng ngược nhau. Theo các số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các nước BRICS hiện chiếm 45% dân số thế giới và 35% GDP toàn cầu trong khi G7 chỉ chiếm khoảng 10% dân số và 30% GDP thế giới. Đến cuối thập kỷ này, tỷ trọng GDP của các nước BRICS trong kinh tế toàn cầu sẽ tăng lên 37% trong khi tỷ trọng của G7 giảm xuống 28%. Cách biệt này thậm chí có thể lớn hơn nếu BRICS kết nạp thêm thành viên trong những năm tới.
Điều quan trọng hơn, theo nhiều chuyên gia, đó là BRICS đang ngày càng hoàn thiện tổ chức và chiến lược mang một tầm vóc địa chính trị lớn hơn, thoát khỏi vai trò ban đầu là một khối hợp tác kinh tế đơn thuần giữa các nền kinh tế mới nổi. Từ sau Thượng đỉnh BRICS năm ngoái tại Nam Phi, khối đã kết nạp thêm 4 thành viên và hiện có nhiều nước khác, như: Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan, Cuba… cũng đã công khai bày tỏ nguyện vọng gia nhập BRICS.
Từ chỗ chỉ tập trung chủ yếu cho hợp tác kinh tế, BRICS bắt đầu thảo luận các kế hoạch tham vọng hơn trong việc tạo lập các hệ thống tài chính hay cơ chế hợp tác an ninh mới nhằm tạo lập thế cân bằng hơn trong một trật tự kinh tế-chính trị mà các nước phương Tây hiện vẫn giữ vai trò chi phối.
Raymond Matlala, Chủ tịch Hiệp hội BRICS trẻ Nam Phi, nhận định: “BRICS là tiếng nói của thế giới phương Nam, trong một cơ chế đa phương do phương Tây chi phối. Không có cơ chế hay tổ chức nào có thể giải thoát thế giới phương Nam khỏi trật tự thế giới hiện nay. Chỉ có BRICS, với tiếng nói và sự hợp tác mạnh mẽ, làm được điều đó”.
Xây dựng các chiến lược mới
Thể hiện cho quyết tâm tạo dựng vị thế công bằng hơn cho thế giới phương Nam, tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS năm nay, một trong những chủ đề trọng tâm được các lãnh đạo BRICS thảo luận là việc xây dựng một hệ thống thanh toán quốc tế mới, độc lập với các hệ thống thanh toán quốc tế hiện nay, chủ yếu do các ngân hàng và thiết chế tài chính phương Tây nắm giữ. Kế hoạch này không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với nước Nga chủ nhà, quốc gia hiện đang hứng chịu rất nhiều lệnh trừng phạt từ phương Tây kể từ khi nổ ra xung đột tại Ukraine tháng 2/2022, mà còn là chiến lược được nhiều thành viên khác của BRICS ủng hộ, do các nước này không muốn quá phụ thuộc vào các hệ thống tài chính phương Tây và hứng chịu rủi ro từ các quyết định đơn phương trong tương lai.
Trên thực tế, chủ đề này từng được BRICS thảo luận tại Thượng đỉnh năm ngoái tại Nam Phi và bên cạnh tham vọng xây dựng hệ thống thanh toán quốc tế mới, một số ý kiến trong BRICS thậm chí còn đề cập đến việc xây dựng một đồng tiền chung cho BRICS.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng trong bối cảnh bất ổn địa chính trị và kinh tế hiện nay trên thế giới, đồng thời bản thân nội bộ BRICS cũng chưa thật sự đoàn kết, các nước BRICS sẽ hành động một cách thận trọng trong việc tạo ra các thiết chế hoặc hệ thống mới mang tính đối đầu trực diện với phương Tây.
Theresa Fallon, người sáng lập Trung tâm nghiên cứu Nga, châu Âu và châu Á tại Brussels (Bỉ), nhận định: “Có 2 quốc gia trong nhóm BRICS mở rộng hiện nay có phần nào muốn xây dựng hoặc giữ lại khía cạnh không liên kết trong nhóm, đó là Brazil và Ấn Độ. Do đó, cần phải chờ xem BRICS xử lý những vấn đề này như thế nào”.
Một chủ đề lớn khác mà các lãnh đạo BRICS cần thảo luận tại Kazan là việc kết nạp thành viên mới. Trong tuyên bố cách đây không lâu, Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov cho rằng BRICS cần tạm ngưng kết nạp thành viên mới trong một quãng thời gian nhằm ổn định lại tổ chức và xác định các mục tiêu chiến lược tổng thể.
Tuy nhiên, thời gian qua nhiều quốc gia vẫn công khai bày tỏ mong muốn sớm gia nhập BRICS, trong đó đáng chú ý nhất là Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia thành viên khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và cũng đang là ứng cử viên gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Việc kết nạp các thành viên như Thổ Nhĩ Kỳ có thể nhanh chóng gia tăng sức mạnh chính trị và kinh tế cho BRICS nhưng cũng có thể đặt ra các bài toán khó về chiến lược lâu dài, khi BRICS muốn tạo dựng một vị thế và bản sắc riêng, phục vụ chủ yếu cho lợi ích của thế giới phương Nam.