Tích cực tham gia cơ chế Hợp tác tiểu vùng Mekong

Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanmar Thein Sein, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Myanmar và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 4 (GMS-4) từ ngày 19 đến ngày 21/12. Chuyến thăm khẳng định VN mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực với Myanmar, cũng như Việt Nam coi trọng và tích cực tham gia cơ chế Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng.


 Tích cực tham gia cơ chế Hợp tác tiểu vùng Mekong  - ảnh 1


Việt Nam và Myanmar thiết lập quan hệ ngoại giao từ tháng 5/1975 và năm 2010, hai bên kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (28/5/1975-28/5/2010). Trong những năm qua, hai nước đã tích cực củng cố và thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt. Nhiều chuyến thăm cấp cao lẫn nhau đã được tiến hành, đặc biệt, chuyến thăm Myanmar của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (4/2010) đã đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới. Quan hệ kinh tế-thương mại có những bước phát triển tích cực. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2011 ước đạt 180 triệu USD, tăng 18,4% so với 2010. Hai bên cũng đã tổ chức Hội chợ Thương mại hàng năm để giới thiệu sản phẩm và thu hút các doanh nghiệp đầu tư. Tuy nhiên, theo phó vụ trưởng vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), ông Lê Quang Lân con số này vẫn còn rất thấp do với tiềm năng ở mỗi nước và các cơ quan bộ ngành hai nước cần làm nhiều hơn nữa: Hiện nay thương mại giữa VN với Mianma có giá trị tương đối thấp, chỉ từ 185-400 triệu USD, so với tổng kim ngạch thương mại nội khối của ASEAN là một con số rất thấp. Do vậy chúng tôi cũng tìm hiểu những biện pháp để thúc đẩy, vừa mang tính song phương vừa mang tính khu vực có thể bao gồm những hoạt động liên quan đến thông tin, trao đổi các đoàn doanh nghiệp, các hoạt động về tăng cường cơ hội đầu tư và thương mại. 

Tại kỳ họp gần đây nhất của Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế, văn hóa và khoa học-kỹ thuật (tháng 11/2010), hai bên đã bàn nhiều biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác về nông-lâm-nghiệp, thủy sản, giao thông-vận tải, năng lượng, thông tin, y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, du lịch và khoa học công nghệ. Hàng loạt các hiệp định, thỏa thuận về kinh tế đã ký kết như Hiệp định vận chuyển hàng không dân dụng (8/1977), Hiệp định thương mại (5/1994), Hiệp định Hợp tác Du lịch (5/1994), Tuyên bố chung về hợp tác trong 12 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, cây công nghiệp, thủy sản, ngân hàng-tài chính, hàng không, viễn thông, dầu khí, khoáng sản, sản xuất thiết bị điện, sản xuất lắp ráp ôtô, xây dựng, hợp tác thương mại và đầu tư) (4/2010)… đã và đang là điều kiện thuận lợi để hai bên tăng cường hợp tác.

Ngoài các quan hệ hợp tác song phương, hai nước còn hợp tác tốt trong khuôn khổ ASEAN, một số tổ chức khu vực và quốc tế như hợp tác Tiểu vùng Mekong (GMS); Chiến lược phát triển kinh tế 3 dòng sông (ACMECS); Hợp tác Việt Nam-Campuchia-Lào-Myanmar (CLMV)... Hai nước có quan điểm gần gũi, thường xuyên phối hợp và ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Trong chuyến thăm Myanmar lần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) là Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc cũng sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS-4). Với chủ đề “Hướng tới một thập kỷ mới về quan hệ đối tác phát triển chiến lược Tiểu vùng Mekong mở rộng", các nhà Lãnh đạo GMS sẽ tập trung thảo luận các biện pháp nhằm mục tiêu thúc đẩy hội nhập, tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao tri thức nguồn nhân lực, tạo thuận lợi cho công tác vận chuyển hàng hóa và hành khách quan biên giới, phát triển thương mại năng lượng... Việt Nam là một thành viên tích cực của Hợp tác kinh tế GMS và cũng đã được thụ hưởng nhiều từ sáng kiến hợp tác này, mang lại nhiều cơ hội hợp tác cho VN. Ông Kimihiro Ishikane, Phó Tổng vụ trưởng Vụ Châu Á Bộ Ngoại giao Nhật Bản khẳng định:

Nhật Bản rất coi trọng hợp tác với các nước trong khu vực tiểu vùng Mekong. Bởi sự phát triển bền vững, ổn định của khu vực cũng mang lại lợi ích cho Nhật Bản. Ngày càng nhiều công ty, doanh nghiệp của Nhật Bản đến đầu tư tại khu vực này, trong đó Việt Nam là một trong những thị trường hết sức tiềm năng của chúng tôi.

Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Myanmar là dịp để hai bên trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt, thúc đẩy triển khai các thỏa thuận đã đạt được giữa Lãnh đạo Cấp cao hai nước; giải quyết, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp hai nước khi tiếp cận thị trường của nhau... Tham dự Hội nghị GMS-4 là dịp để VN khẳng định sự coi trọng tham gia cơ chế Hợp tác này thông qua các sáng kiến, đóng góp cụ thể trong tất cả các Chương trình hợp tác GMS./.

Ánh Huyền

Phản hồi

Các tin/bài khác