Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cộng sản Việt Nam xác định một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước là chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số. Cụ thể hóa Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06).
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Đề án, kinh tế số chiếm tỷ trọng cao của nhiều ngành và địa phương. Đặc biệt, dữ liệu Quốc gia về dân cư đã được kết nối rộng rãi có ý nghĩa quan trọng, mang lại nhiều cải cách đột phá, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Lấy người dân, doanh nghiệp là mục tiêu và chủ thể của sự phát triển
Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội, hiện đã triển khai tiếp đón bện nhân đến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng thẻ căn cước công dân gắn chip, hoặc ứng dụng VneID. Người dân đến khám, chữa bệnh không cần mang theo thẻ Bảo hiểm xã hội, chỉ cần sử dụng duy nhất thẻ Căn cước công dân gắn chip, quét mã QR là đăng kí khám, chữa bệnh thành công.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng, đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, chia sẻ: "Trước đây, đi khám bệnh là phải mang theo bảo hiểm y tế. Từ khi có thẻ căn cước gắn chip, mình đi đâu chỉ cần cầm theo thẻ căn cước gắn chịp nó sẽ thuận tiện, thuận lợi cho mình trong việc việc khám, chữa bệnh. Thủ tục sẽ bớt rườm rà.”
Ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: Đề án 06 là đề án quan trọng trong việc thực hiện chuyển đổi số, tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, doanh nghiệp hiệu quả hơn. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến nay đã xác thực hơn 83 triệu thông tin nhân khẩu trong cơ sở dữ liệu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đồng thời chia sẻ, cung cấp hơn 107 triệu bản ghi thông tin về bảo hiểm y tế với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ông Nguyễn Hoàng Phương cho biết: "Ngành bảo hiểm xã hội một năm trung bình có khoảng 300 triệu lượt dịch vụ công điện tử, trong đó, gần 200 triệu lượt khám chữa bệnh. Nếu một nửa trong số đó thực hiện môi trường điện tử thông qua tài khoản định danh, hay triển khai điện tử, sẽ tiết kiệm cho người dân về chi phí đi lại, chi phí thủ tục hành chính. Về chi phí của cơ quan nhà nước cũng như tạo sự tiện lợi và minh bạch và đảm bảo thời gian thực hiện sẽ ngắn hơn rất nhiều."
Việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào thực hiện các dịch vụ công quốc gia đã, đang là bước đột phá mạnh mẽ khi hàng loạt các dịch vụ trước đây phải đi lại trực tiếp thực hiện như làm hộ chiếu điện tử, bằng lái xe, kê khai thuế, đăng ký điện... nay được cung cấp theo phương thức điện tử đã mang lại hiệu quả thiết thực, như: giúp người dân/khách hàng thuận tiện, tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại; không phải in ấn, bảo quản, lưu trữ tài liệu giấy.
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Ảnh: dangcongsan.vn |
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết: "Đây là một bước tiến rất dài trong quá trình cung cấp các dịch vụ điện lực, tạo tiện ích, tạo sự thông thoáng và đặc biệt tiết kiệm cho người dân và doanh nghiệp rất nhiều chi phí về thời gian, công sức để có thể có một hợp đồng mua bán điện trong thời gian sớm nhất. Ngoài việc kết nối với các địa phương để tạo tiện ích cho người dân có thể sử dụng cổng dịch vụ công quốc gia, chúng tôi còn kết nối với các đối tác là ngân hàng, các tổ chức trung gian, các đơn vị khác để có thể liên kết các nền tảng này và tạo ra một tiện ích cho khách hàng."
Tạo cơ sở để chuyển đổi số thành công
Được biết, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Việt Nam hiện đã kết nối với 13 bộ, ngành, 1 doanh nghiệp Nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương để xác thực, làm sạch dữ liệu cho các đơn vị và làm giàu dữ liệu dân cư với hơn 1 tỷ lượt tra cứu, khai thác thông tin phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Tính đến tháng 6 năm nay, đã có hơn 212 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái xử lý trên cổng dịch vụ công quốc gia, trong đó có hơn 18 triệu hồ sơ trực tuyến. Đối với 25 dịch vụ công thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử, có nhiều dịch vụ công tỷ lệ trực tuyến cao như thông báo lưu trú đạt 99,9%; Đăng ký thường trú đạt gần 90%.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi số là một trong 3 trụ cột và là khâu đột phá để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị toàn quốc về chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: VGP |
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số Quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ: "Đề án 06 là một nhiệm vụ rất quan trọng, vì vậy cần huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể; Đẩy mạnh triển khai một số cơ chế thí điểm, thử nghiệm quan trọng để mở rộng trong thời gian tới. Tinh thần là phải quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong thực hiện chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06."
Nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII đã qua, chuyển đổi số quốc gia đã và đang tạo sự bứt phá mạnh mẽ với “3 thế chân kiềng”, là Chính phủ số - Kinh tế số - Xã hội số. Trong đó, việc xây dựng, triển khai thành công Đề án 06 là tiền đề quan trọng để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII đã đặt ra. Sau nửa chặng đường, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức khi thực hiện Đề án 06, nhưng với sự tích cực vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp, việc triển khai thực hiện Đề án 06 sẽ tiếp tục là động lực quạn trọng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội.