(VOV5) - Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Việt Nam vừa ban hành thêm một số chính sách mới nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của dịch COVID - 19.
Những quy định về miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng…được quy định trong Nghị quyết 406 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội (ban hành ngày 19/10) là cứu cánh cho nhiều doanh nghiệp. Khó khăn được tháo gỡ kịp thời, đó chính là động lực rất lớn để doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh và sớm hồi phục nền kinh tế.
Dây chuyền sản xuất, lắp ráp linh kiện cho bếp gas của Công ty TNHH Paloma Việt Nam tại khu công nghiệp, đô thị VSIP Hải Phòng - Ảnh: Danh Lam/TTXVN |
Những chính sách được ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do dịch COVID – 19 trong thời gian qua là chủ trương kịp thời, khẳng định Quốc hội, Chính phủ luôn chia sẻ với những tổn thất, khó khăn của người dân và doanh nghiệp phải gánh chịu do tác động của đại dịch.
Tiếp sức cho doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn
Nghị quyết 406 vừa được ban hành tác động trực tiếp vào các đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ; hộ, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch COVID-19…Khu vực này là "xương sống" của nền kinh tế, chiếm tỷ trọng khá cao trong nền kinh tế và cũng là khu vực dễ bị tổn thương trước tác động của dịch. Theo tính toán của Bộ Tài chính, có tới hơn 97% doanh nghiệp của cả nước được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm nay. Đây hầu hết là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, ước tính có gần 4 triệu hộ và cá nhân kinh doanh cả nước được miễn thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng phát sinh trong quý 3 và 4 này. Các giải pháp miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 406 sẽ hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khoảng 20.000 tỉ đồng.
Chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 406 vừa có ý nghĩa về kinh tế, vừa rất nhân văn. Gói biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân một mặt giúp giảm giá thành của hàng hóa, dịch vụ được miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, giúp tăng cường tiêu dùng, kích cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Mặc khác, giúp giảm chi phí của doanh nghiệp. Hầu hết doanh nghiệp đều trong tình trạng khó khăn về thanh khoản. Trong bối cảnh đó, việc tiếp sức cho doanh nghiệp thông qua các chính sách về thuế, phí là cần thiết, giúp doanh nghiệp trụ vững và phục hồi cùng với quá trình mở cửa trở lại nền kinh tế. Theo Tổng Thư ký Hiệp hội thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe, Nghị quyết 406 được ban hành kịp thời chính là sự động viên to lớn đối với doanh nghiệp.
Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID19 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Ông Võ Việt Hùng, Giám đốc công ty CP tập đoàn chế biến thực phẩm Hà Nội, cho rằng: "Gói hỗ trợ này không đơn thuần là hỗ trợ về mặt tiền bạc mà nó như liều vaccine để hỗ trợ cho sức sống của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sử dụng phần tiền được giảm đóng thuế này để đầu tư nâng cấp công nghệ, đầu tư nghiên cứu thị trường, đặc biệt là đầu tư vào chuyển đổi số".
Ưu tiên triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực
Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do dịch COVID – 19 được Chính phủ Việt Nam ban hành từ năm 2020. Tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách ban hành năm 2020 đạt khoảng 129 nghìn tỷ đồng. Năm 2021, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân), tiền thuê đất trong năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19; tiếp tục thực hiện giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng nhằm tháo gỡ khó khăn và tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp…Tính chung các chính sách gia hạn tiền thuế, giảm phí, lệ phí và tiền thuê đất... mà Chính phủ chia sẻ với người nộp thuế từ đầu năm đến nay, tổng số tiền khoảng 138.000 tỉ đồng.
Tại phiên khai mạc kỳ thứ 2, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu khẳng định tiếp tục các giải pháp phục hồi nền kinh tế, trong đó có hỗ trợ doanh nghiệp. Thủ tướng nhấn mạnh: "Chính phủ sẽ tập trung ưu tiên triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp; nhanh chóng khôi phục thị trường lao động do bị tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19; thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh; bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hoá thông suốt. Khơi thông mọi nguồn lực cho phòng, chống dịch và phát triển kinh tế xã hội".
Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Dư luận đánh giá các giải pháp hỗ trợ là kịp thời, có tác động tích cực, góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây cũng là sự động viên to lớn, giúp doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh.