(VOV5) - Phòng, chống tham nhũng là công việc hệ trọng, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục.
Tại các buổi tiếp xúc cử tri cuối tuần qua, ngay sau kỳ họp Quốc hội thứ 6 khóa XIV, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định không bao giờ nhụt chí trong phòng, chống tham nhũng. Trước đó, trong một động thái được đánh giá là tích cực, Quốc hội Việt Nam cũng đã thông qua Luật phòng, chống tham nhũng. Những tín hiệu trên là cơ sở để cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới mạnh mẽ, bài bản, hiệu quả hơn.
Công tác phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam thời gian qua đạt được những kết quả quan trọng. Điều này cho thấy quyết tâm chính trị của cả hệ thống, là sự chỉ đạo quyết liệt với nhiều quyết sách đúng đắn, kịp thời. Tuy nhiên, phòng, chống tham nhũng là công việc hệ trọng, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục.
Không bao giờ nhụt chí trong phòng, chống tham nhũng
Khẳng định trước các cử tri Hà Nội tại buổi tiếp xúc cuối tuần qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh rằng không có kỳ tiếp xúc nào cử tri không đề cập đến vấn đề phòng chống tham nhũng. Điều này chứng tỏ đây vẫn là vấn đề lớn, được nhân dân rất quan tâm. Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, hiện nay, công cuộc phòng chống tham nhũng đã có sự vào cuộc của cả hệ thống. Tình trạng “trên nóng dưới lạnh” trong phòng chống tham nhũng đang dần được khắc phục.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho hay, hiện công việc cụ thể trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng rất nhiều nên phải làm chắc từng bước; phải có lực lượng, kinh nghiệm. Ông khẳng định trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, không bao giờ có chuyện chùn lại, chùng xuống hay mệt mỏi: “Có bộ máy như thế, chỉ đạo như thế, lòng dân quyết tâm thì nhất định làm được. Bây giờ cùng lúc rất nhiều việc phải làm, làm từng việc, làm chắc bước này rồi sang bước sau. Làm rõ chứng lý, luật pháp. Nếu kết luận không đúng thì dân không tâm phục khẩu phục, mất lòng tin. Thực tế việc xử lý những vụ việc vừa qua được dân đồng tình. Đây cũng là bài học kinh nghiệm quý.”
Hoàn thiện thể chế
Cùng với quyết tâm phòng chống, tham nhũng thì điểm nhấn đáng chú ý trong thời gian gần đây là sự ra đời của Luật phòng chống tham nhũng 2018. Luật được sửa đổi nhiều nhất, toàn diện nhất từ luật gốc năm 2005, sau đó là hai lần sửa đổi nhỏ năm 2007 và 2012.
Trong luật, phần kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn được sửa đổi, bổ sung nhiều nhất, chiếm tới 24/96 điều của cả đạo luật. Lần đầu tiên Việt Nam có cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập độc lập. Cơ chế này rất quan trọng. Từ nay, Thanh tra Chính phủ sẽ kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ từ giám đốc sở và tương đương ở địa phương cũng như ở các bộ trong Chính phủ. Cấp thấp hơn thì thanh tra địa phương, thanh tra bộ… chịu trách nhiệm.
Luật cũng trao cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập nhiều thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ khó khăn này; quy định kho bạc, tổ chức tín dụng, kể cả ngân hàng nước ngoài, công an, thuế, hải quan, quản lý đất đai… phải cung cấp thông tin phục vụ cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai.
Căn cứ để tiến hành xác minh tài sản, thu nhập cũng được mở rộng hơn nhiều so với hiện hành, trong đó đáng chú ý là sẽ tiến hành xác minh ngẫu nhiên. Như vậy, cán bộ, công chức nào cũng có thể được yêu cầu giải trình hoặc buộc phải trải qua xác minh tính trung thực trong việc kê khai, bao gồm cả nguồn gốc tài sản, thu nhập.
Về thu hồi tài sản tham nhũng, bà Võ Thị Như Hoa, đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Đà Nẵng cho rằng: “Việc thu hồi tài sản tham nhũng là một yêu cầu bắt buộc là một nhiệm vụ không thể tách rời của công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng và nó có tác động tích cực đến việc phòng ngừa tham nhũng và đây chính là một tiêu chí quan trọng để đánh giá hiệu quả công tác này.”
Tuy nhiên để phòng chống tham nhũng có hiệu quả thì không thể chỉ trông đợi vào luật phòng, chống tham nhũng 2018 mà còn vào nhiều luật, nghị định khác của Quốc hội, Chính phủ cùng sự quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng. Trong thời gian tới, nhiều luật sẽ được điều chỉnh để phù hợp với những quy định trong Luật phòng chống tham nhũng.
Trong bối cảnh người dân mong mỏi xử lý nạn tham nhũng thì sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước cùng các quy định mới sẽ giúp công tác phòng chống tham nhũng tới đây mạnh mẽ, bài bản, hiệu quả hơn.