(VOV5) - Đây cũng là dịp để người dân, cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn những hậu quả mà chiến tranh để lại để rồi cùng chung tay góp sức ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần đối với nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam.
Đã thành truyền thống, ngày 10/8 hàng năm, Việt Nam lại tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm chung tay xoa dịu nỗi đau mà những nạn nhân chất độc da cam/dioxin phải gánh chịu trong cuộc chiến tranh hóa học do Quân đội Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh ở Miền Nam Việt Nam cách đây 57 năm. Đây cũng là dịp để người dân, cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn những hậu quả mà chiến tranh để lại để rồi cùng chung tay góp sức ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần đối với nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh Đăk Nông tặng quà hỗ trợ các nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam. |
Chất độc da cam/dioxin, chất độc bậc nhất trong các chất độc, một thảm họa da cam chưa từng có trong lịch sử loài người, đã được quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến cách đây 57 năm. Trong vòng 10 năm từ 1961-1971, ước tính quân đội Mỹ đã tiến hành gần 20 nghìn phi vụ, phun rải 80 triệu lít chất độc hóa học, trên 60% trong đó là chất da cam/dioxin xuống một vùng lãnh thổ rộng lớn của miền Nam Việt Nam, gây ra những tổn thất nặng nề về môi trường sinh thái, sức khỏe con người và di chứng kéo dài đến nhiều thế hệ sau.
Thực tế chứng minh, cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất, dài nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người.
Hậu quả và di chứng nặng nề
Theo thống kê, ở Việt Nam hiện có 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin, trong đó hơn 3 triệu người là nạn nhân, bao gồm những người trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiếu đấu, những người dân ở vùng chiến sự, vùng giải phóng…Đáng sợ hơn, chất độc da cam/dioxin có thể di truyền qua nhiều thế hệ và ở Việt Nam di chứng đã truyền sang thế hệ thứ 4. Thống kê hiện cả nước có hơn 150.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2; 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3 và khoảng 2.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 4. Ông Nguyễn Tấn Đẩu, một nạn nhân da cam/dioxin ở Quảng Trị, chia sẻ: Tôi hoạt động ở chiến trường quân khu 5 từ năm 1968 đến 1971. Trong gia đình thì bản thân tôi bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, mang trong mình nhiều căn bệnh, đặc biệt là hiện giờ sống không đúng chức năng của một người đàn ông. Tôi sinh được 10 người con nhưng chết 5, 1 đứa bị dị tật.
Trao bò sinh sản cho nạn nhân chất độc da cam huyện Kon Rẫy. Ảnh: Báo Kontum |
Bộ y tế Việt Nam đã khẳng định có 17 bệnh liên quan đến chất độc da cam/dioxin đã được y tế thế giới công nhận. Chất dioxin tác động đến hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, hệ bài tiết, không chỉ gây ra 1 bệnh mà nó tác động làm suy giảm miễn dịch cơ thể các nạn nhân, từ đó dễ gây ra những bệnh nhiễm khuẩn.
Sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước Việt Nam
Công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người được Đảng, Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm.
Kể từ năm 1998 đến nay, Quốc hội Việt Nam đã 3 lần thông qua Pháp lệnh quy định việc thực hiện chế độ chính sách liên quan đến nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Mỗi năm, ước tính Nhà nước dành khoản ngân sách hơn 10.000 tỷ đồng để trợ cấp hàng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin, tẩy độc, khắc phục ô nhiễm môi trường.
Đáng chú ý, cuộc vận động đòi chính quyền Mỹ, các công ty hóa chất Mỹ phải chịu trách nhiệm đối với các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam bước đầu đạt được kết quả. Từ năm 2011, ngân sách Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn cho tẩy độc ở điểm nóng dioxin ở sân bay Đà Nẵng, Việt Nam và hỗ trợ các dịch vụ y tế cho người dân Việt Nam sống gần các điểm nóng. Ngoài ra, một số tổ chức phi chính phủ của Mỹ cũng đã tham gia các dự án tẩy độc môi truờng và hỗ trợ dịch vụ y tế cho người dân Việt Nam.
Huy động nguồn lực xã hội và quốc tế
Tuy nhiên, những hỗ trợ này còn quá nhỏ bé, chưa đủ để bù đắp hậu quả mà các nạn nhân da cam/dioxin đang gánh chịu. Hưởng ứng kêu gọi của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, nhiều nguồn lực xã hội đã được huy động. Ông Phạm Văn Tới, Chủ tịch Câu lạc bộ từ thiện Quốc gia, cho biết: Tôi có trực tiếp đi trao quà cho nhiều gia đình khó khăn, cho những em nhỏ không may mắn. Tôi thấy nạn nhân da cam họ rất khổ, họ không thể đi lại, tự ăn uống và vệ sinh cá nhân. Từ đó, tôi thấy mình cần phải cố gắng làm những chương trình như thế này để động viên các gia đình nạn nhân da cam khó khăn, động viên đến những nạn nhân da cam và kêu gọi toàn thể cộng đồng hãy chung tay giúp đỡ, ủng hộ cho các nạn nhân da cam của Việt Nam
Bên cạnh đó là sự hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài. Hiện có khoảng trên 100 tổ chức phi chính phủ nước ngoài hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp các nạn nhân da cam Việt Nam, thông qua các dự án phát triển kinh tế xã hội.
Nâng cao mức hỗ trợ cho nạn nhân để họ hòa nhập cuộc sống cộng đồng, mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam khắc phục cơ bản hậu quả của chất độc hóa học về môi trường, sức khỏe con người, an sinh xã hội. Để đạt được mục tiêu này, ngoài nguồn lực của Chính phủ, của các tổ chức xã hội, nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam còn cần cả sự chung tay giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Chính phủ và các công ty hóa chất.