(VOV5) Năm 2012, cùng với tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, tái cấu trúc ngân hàng, Việt Nam cũng có kế hoạch cải cách mạnh mẽ thị trường chứng khoán. Đây được xem là một bộ phận quan trọng của thị trường tài chính trong việc huy động nguồn vốn cho quá trình phát triển.
Ủy ban chứng khoán nhà nước đã chọn năm 2012 là năm cơ cấu lại thị trường chứng khoán và hiện đã đệ trình Chính phủ Đề án tái cơ cấu thị trường, trong đó xoay quanh 4 vấn đề gồm tái cấu trúc các trung gian tài chính, thị trường hàng hóa, cầu đầu tư và các công ty chứng khoán. Theo các chuyên gia, đây là việc làm hết sức cần thiết, dù muộn, nhằm vực dậy thị trường non trẻ, nhưng quan trọng của nền kinh tế.
Trong hơn 11 năm hoạt động, thị trường chứng khoán VN đã huy động được khoảng 400 nghìn tỷ đồng, khai thác được rất nhiều nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Từ đó, giúp tận dụng được nguồn tiền nhàn rỗi, tạo đà cho doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả.. Nhưng, trong vài năm trở lại đây, thị trường chứng khoán VN đang có những dấu hiệu mất cân bằng. Các chỉ số liên tục xác lập đáy mới, niềm tin nhà đầu tư giảm sút, dòng tiền đổ vào cũng ngày càng cạn kiệt, giá trị cổ phiếu giảm nhiều… Tính đến cuối năm 2011, chỉ số chính của thị trường là VN-Index giảm tới 25% so với cuối năm 2010, thanh khoản chỉ bằng 50% so với năm 2010. Sự suy giảm chóng mặt của thị trường chứng khoán một phần do tình hình kinh tế thế giới khó khăn, nhưng phần lớn là do những vấn đề nội tại của thị trường trong nước, mà theo các chuyên gia, nếu không sớm giải quyết sẽ khó lấy lại niềm tin của giới đầu tư.
Nếu như năm 2000, cả Việt Nam chỉ có 6 công ty chứng khoán và chỉ có 2 cổ phiếu niêm yết trên sàn giao dịch, thì vài năm sau, khi chứng khoán bùng nổ, các công ty chứng khoán được thành lập ồ ạt với mục đích kiếm lời từ giao dịch cổ phiếu của chính mình. Chỉ cần có giấy phép hoạt động, giá cổ phiếu công ty chứng khoán ngay lập tức được giao dịch với giá bằng 2-3 lần mệnh giá. Đến nay, toàn thị trường có tới 105 công ty chứng khoán phục vụ cho một thị trường chỉ có 1,2 triệu tài khoản, trong đó, nhiều công ty có quy mô nhỏ, năng lực tài chính thấp, không đảm bảo hiệu quả hoạt động, tiềm ẩn rủi ro hệ thống. Theo các chuyên gia, cần phải sàng lọc để tồn tại chỉ khoảng 20-30 công ty chứng khoán với chức năng hoạt động rõ ràng, minh bạch thông tin. Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh chứng khoán VN cho rằng: “Có thể nói thời gian vừa qua thị trường chứng khoán của chúng ta có rất nhiều chệch choạc và có nhiều vấn đề trong việc đề ra tiêu chí báo cáo thông tin. Dẫn đến thứ nhất, tính công khai, minh bạch không rõ ràng, thứ hai là chưa kịp thời và thứ ba là đề ra nhiều tiêu chí, định tính, định lượng không cụ thể. Cho nên nhiều công ty và nhiều nhà đầu tư có những nghi ngại trong vấn đề này”.
Bên cạnh đó, việc niêm yết cổ phiếu của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán thời gian qua cũng chưa thực sự đạt hiệu quả theo mục đích của việc niêm yết. Việc các công ty ồ ạt niêm yết cổ phiếu trong khi chất lượng của các công ty niêm yết này chưa cao, đặc biệt là hạn chế về quản trị công ty và tính công khai, minh bạch. Đặc biệt, giai đoạn 2010-2011, nhiều công ty niêm yết làm ăn thua lỗ, ảnh hưởng đến sự hấp dẫn của các cổ phiếu và niềm tin của các nhà đầu tư. Thậm chí, nhiều công ty xin hủy niêm yết để cứu giá cổ phiếu đang đi xuống quá nhanh. Theo các chuyên gia, ở nước ngoài, việc hủy niêm yết là tín hiệu xấu, nhưng ở Việt Nam lại coi là cách để bảo toàn giá trị của công ty và lại được chấp nhận. Chuyên gia phân tích thuộc Công ty chứng khoán Habubank Đỗ Bảo Ngọc cho biết: “Có một thực tế là giá cổ phiếu của nhiều công ty giảm dưới giá trị sổ sách. Rất nhiều doanh nghiệp cho rằng giá trị cổ phiếu đang được giao dịch trên thị trường hiện nay thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực tế của doanh nghiệp, những lợi thế doanh nghiệp đang có và giá trị tại doanh nghiệp đang tạo ra. Với cách nghĩ như thế, các doanh nghiệp dường như đang cảm thấy việc niêm yết trên thị trường trong thời điểm hiện nay là một cực hình khi họ đang làm ăn tốt”.
Trước thực trạng đi xuống của thị trường chứng khoán, Ủy ban chứng khoán nhà nước đã xây dựng Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán và dự kiến sẽ triển khai từ 1/4 năm nay. Đề án được thực hiện trong 2 giai đoạn từ 2012-2013 và 2013-2015, trong đó giai đoạn 1 được triển khai theo 2 bước. Từ nay đến 1/4/2012, Ủy ban chứng khoán Nhà nước sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát các công ty chứng khoán có tình hình tài chính yếu, yêu cầu công ty kiểm toán báo cáo cho Ủy ban chứng khoán các công ty chứng khoán có dấu hiệu bất ổn tài chính, buộc các công ty này giải trình rõ nguyên nhân năng lực tài chính yếu và có giải pháp khắc phục. Trên cơ sở đó, bước tiếp theo của đề án sẽ là tập trung tái cơ cấu toàn bộ thị trường chứng khoán thông qua việc bán tài sản xấu, khoanh nợ, thu hẹp hoạt động…
Tuy nhiên, để có thể quản lý thị trường chứng khoán quy mô như vậy, nhiều chuyên gia nhận định để đảm bảo quá trình tái cấu trúc thành công, cần phải áp dụng cả biện pháp kinh tế và hành chính, trong đó trọng tâm là giải pháp kinh tế. Dù khó nhưng việc tái cấu trúc thị trường chứng khoán là nhu cầu cấp thiết, nhằm “vực dậy” thị trường quan trọng này, hỗ trợ hiệu quả cho sự phát triển đất nước trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô được hy vọng sẽ khởi sắc trở lại trong năm 2012./.
Ánh Huyền