Tín hiệu tích cực trong đàm phán thành lập chính phủ Đức

(VOV5) - Dự kiến một đại hội đảng đặc biệt của SPD diễn ra vào ngày 21/1 tới sẽ quyết định liệu có bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức về một đại liên minh hay không. 

Với việc SPD (đảng Dân chủ Xã hội) và liên minh CDU/CSU (Liên minh Dân chủ Xã hội Cơ đốc giáo) bắt đầu các cuộc đàm phán thăm dò hồi tuần trước, hệ thống chính trị Đức đang đứng trước cơ hội cuối cùng để thành lập một chính phủ ổn định sau cuộc bầu cử quốc gia tháng 9/2017. Tại các cuộc đàm phán này đã xuất hiện một số tín hiệu tích cực ban đầu.

Tín hiệu tích cực trong đàm phán thành lập chính phủ Đức - ảnh 1 Chủ tịch đảng CDU, Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) và lãnh đạo đảng CSU Horst Seehofer (trái) trong cuộc họp ở Berlin. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các vòng đàm phán thăm dò kéo dài 5 ngày, kết thúc vào ngày 12/1 vừa qua và dự kiến một đại hội đảng đặc biệt của SPD diễn ra vào ngày 21/1 tới sẽ quyết định liệu có bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức về một đại liên minh hay không. Nếu quyết định của đại hội đảng là tiếp tục việc thành lập đại liên minh thì toàn bộ đảng viên của SPD sẽ có tiếng nói cuối cùng trong một cuộc trưng cầu dân ý vào khoảng giữa tháng 2/2018.

Nếu các cuộc đàm phán thành công, một chính phủ mới sẽ có thể được thành lập trước ngày 1/4. Nếu không, nước Đức sẽ hoặc phải đối mặt với các cuộc bầu cử mới, hoặc bà Merkel sẽ phải lãnh đạo một chính phủ thiểu số.

 

Một số tín hiệu tích cực ban đầu

Tuy nhiên, tại các cuộc đàm phán thăm dò vừa kết thúc mới đây thì dường như sự cố gắng của đảng SPD đang khiến cho quá trình thành lập Chính phủ “Đại liên minh” tại Đức trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Tại các cuộc đàm phán thăm dò lần này, Liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ Xã hội Cơ đốc giáo của Thủ tướng Đức Merkel và đảng Dân chủ Xã hội đã tìm được tiếng nói chung trong một số vấn đề như giảm thuế thu nhập cho tầng lớp nhà giàu, bỏ mục tiêu từ nay đến năm 2020 giảm 40% lượng khí thải CO2 (carbon dioxide) so với mức của năm 1990, tương lai của Liên minh châu Âu và kinh tế. Các bên cũng nhất trí đạt thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản để bắt đầu các cuộc đàm phán thành lập một Chính phủ mới trong vài tuần tới. Thỏa thuận này bao gồm một cam kết “hợp tác chặt chẽ với Pháp để cải tổ và củng cố Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) một cách bền vững, nhằm giúp toàn liên minh ứng phó tốt hơn với các cuộc khủng hoảng toàn cầu”.

Tín hiệu tích cực trong đàm phán thành lập chính phủ Đức - ảnh 2

Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội (SPD) Martin Schulz trong một cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình tại Berlin. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Theo giới quan sát, sự đồng thuận này cho thấy đã có sự nhượng bộ của đảng Dân chủ Xã hội đối với một trong những cam kết tranh cử của Thủ tướng Angela Merkel. Tuy nhiên, liên minh này vẫn cần phải tìm tiếng nói chung trong nhiều vấn đề khác mà vấn đề nổi cộm nhất là chính sách nhập cư.

Sau khi liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Đức Merkel đạt được thỏa thuận sơ bộ mang tính “đột phá” với đảng Dân chủ Xã hội (SPD), Đức và Pháp cùng có động thái đẩy nhanh các nỗ lực cải tổ Liên minh châu Âu (EU) khi bộ trưởng tài chính hai nước gặp nhau tại thủ đô Paris, Pháp trong tuần này. Giới phân tích nhận định cuộc gặp giữa bộ trưởng tài chính Đức và Pháp lần này là một dấu hiệu cho thấy Đức đang chuẩn bị tiến hành các cuộc đàm phán với Pháp, song song với các cuộc đàm phán thành lập Chính phủ liên minh giữa khối bảo thủ của Thủ tướng Merkel với SPD, dự kiến có thể bắt đầu vào cuối tháng 1 này, nếu các thành viên SPD nhất trí thông qua tại đại hội của đảng vào ngày 21/1 tới. Theo lãnh đạo Đảng SPD, kế hoạch liên minh đã được hai bên nhất trí hôm 12/1 sẽ mở đường cho một “thay đổi mô hình” về châu Âu, giúp khu vực này thoát khỏi các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”, cùng hướng tới các cơ hội đầu tư và công ăn việc làm. 

Một chính phủ Đức ổn định đảm bảo sự ổn định chung của khối EU

Đảng SPD từng liên minh với đảng của bà Merkel trong 8 trên tổng số 12 năm vừa qua, tuy nhiên vì kết quả trong bầu cử hồi tháng 9, lãnh đạo SPD cam kết sẽ đưa đảng này trở thành đảng đối lập tại Đức. Đảng SPD là trụ cột chính trị mạnh nhất của Châu Âu ở Đức. Nhà lãnh đạo SPD hiện nay, ông Martin Schulz là người có ảnh hưởng mạnh nhất đối với các vấn đề của Châu Âu. Nếu đảng SPD trở thành phe đối lập thì rõ ràng sẽ là lực cản cho tương lai của EU, khiến những quyết định quan trọng và nỗ lực cải cách liên minh tiếp tục bị trì hoãn.

Một chính phủ ổn định ở Đức mang ý nghĩa quan trọng cho toàn châu Âu vì các quốc gia trong EU coi Đức là một trụ cột cho sự ổn định của khối. Hơn 3 tháng kể từ sau bầu cử, Đức vẫn chưa có chính phủ mới. Vì vậy, các vòng đàm phán vừa qua với một số tín hiệu tích cực được xem là cơ hội để thành lập một liên minh ổn định, đem đến hy vọng về một khởi đầu mới cho nước Đức. Đồng thời, việc đạt được thỏa thuận đã phần nào giúp giảm áp lực đối với Thủ tướng Merkel và xóa tan những nghi ngại về tầm ảnh hưởng của “quốc gia đầu tàu châu Âu” này trong các vấn đề quốc tế khi chưa có Chính phủ mới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác