(VOV5) - Tổ chức phóng viên không biên giới vừa công bố phúc trình "chỉ số tự do báo chí năm 2013", trong đó có những luận điệu sai trái về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam. Thêm một lần nữa, tổ chức này lại tiếp tục có các hành vi vu cáo và xuyên tạc về tự do báo chí ở Việt Nam.
|
Bản phúc trình "Chỉ số tự do báo chí 2013" công bố ngày 30-1-2013 của Tổ chức phóng viên không biên giới (Reporters sans frontières - RSF) cho rằng tự do báo chí ở Việt Nam "chưa có dấu hiệu được cải thiện", người dân "không được tự do tiếp cận thông tin" và Việt Nam đã trở thành "nước cầm tù blogger và cư dân mạng lớn thứ hai thế giới". Cùng với việc công bố phúc trình, RSF lợi dụng một số cơ quan truyền thông vốn thiếu thiện cảm với Việt Nam để có các cuộc trả lời phỏng vấn để "làm sâu sắc hơn" phúc trình này. Điển hình là Benjamin Ismail - Giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của RSF, trả lời phỏng vấn trên VOA tiếng Việt ngày 30-1-2013, nói rằng tình hình tự do báo chí tại Việt Nam "đang xuống dốc tệ hại" và dẫn chứng về 12 trường hợp blogger, 14 "nhà hoạt động Công giáo và Tin lành" bị xét xử trong năm 2012 để vu cáo Nhà nước Việt Nam "gia tăng đàn áp tự do báo chí, tự do ngôn luận". Benjamin Ismail bịa đặt: Ở Việt Nam "không có chỗ cho bất kỳ sự chỉ trích nào đối với nhà cầm quyền, các chính sách của Nhà nước, hệ thống chính trị hay các quan chức nhà nước".
Vấn đề là RSF và Giám đốc Benjamin Ismail phụ trách khu vực Châu Á- Thái bình dương của RSF, đã cố tình bỏ qua nội dung những bản cáo trạng với đầy đủ chứng cứ cụ thể và xác thực về hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam của các đối tượng mà họ đề cập. Việc họ cố tình “ lập lờ đánh lận con đen”, cố tình coi các blogger lợi dụng internet để thực hiện các hành vi vi phạm điều 88 của Bộ Luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, giống như các nhà báo chính danh, lấy hoạt động báo chí làm nghề nghiệp xã hội, đã cho thấy thái độ không khách quan, bất chấp sự thật của RSF. Thêm nữa, cái cách mà RSF lâu nay vẫn thực hiện để có được những cái được gọi là “ phúc trình”, “báo cáo”, đã cho thấy họ đã phớt lờ các thông tin và số liệu chính thống về vấn đề tự do báo chí ở Việt Nam. RSF đã không hề tổ chức nghiên cứu, khảo sát thực tế tại Việt Nam, chỉ đưa ra một bảng khảo sát gồm 80 câu hỏi thuộc loại "trả lời sao cũng được", cóp nhặt tin tức một chiều, phiến diện, thậm chí bị bóp méo từ một số website, blog của các thế lực thù địch chống phá, rồi phỏng vấn một số nhân vật vốn có định kiến cố hữu và cái nhìn thiếu thiện chí đối với Việt Nam, từ đó đưa ra cái gọi là "phúc trình thường niên". Với phương pháp điều tra, nghiên cứu phi khoa học và cực kỳ phiến diện như thế, liệu bản phúc trình “ Chỉ số tự do báo chí năm 2013” nói riêng và các báo cáo khác nói chung của RSF liệu có "khách quan, tin cậy" như RSF và các thành viên vẫn lớn tiếng khẳng định?
Ra đời năm 1985 tại Pháp, ngay từ đầu, RSF tự cho mình quyền cổ xúy tự do báo chí, tự do ngôn luận kiểu phương Tây. Theo thời gian, đây không phải là lần đầu tiên RSF lên tiếng bóp méo, xuyên tạc tình hình tự do báo chí ở Việt Nam. Và thực chất, RSF hoạt động không phải vì quyền lợi của các nhà báo. RSF từng bị tố cáo nhận hàng trăm nghìn USD từ các tổ chức phản động lưu vong người gốc Cuba như "Trung tâm vì Cuba tự do", tổ chức "Ðoàn kết Cuba" và một số tổ chức đối lập tại Venezuela để tiến hành các chiến dịch truyền thông chống Nhà nước Cuba và Chính phủ của Tổng thống Hugo Chavez trong cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela tháng 4-2002. RSF còn nhận tiền từ các tổ chức, cá nhân để tham gia các hoạt động lật đổ Tổng thống Haiti, J.B. Aristide trong cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này năm 2004.Từ điển Bách khoa toàn thư mở Wikipedia cũng cho biết: "Theo điều tra của hai nhà báo thuộc đài truyền thanh và truyền hình nhà nước WDR (Ðức) tổ chức Phóng viên không biên giới nhận được nhiều ủng hộ từ nhà tỷ phú Mỹ George Soros, người đã từng ủng hộ công đoàn Solidarnos’c’ hàng triệu USD, từ Quỹ quốc gia hỗ trợ dân chủ (National Endowment for Democracy), là tổ chức mà 90% ngân sách xuất phát từ ngân sách quốc gia của Mỹ và thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ". Có lẽ vì thế, để đổi lại, việc tường trình về thực trạng "phân biệt đối xử" với nhà báo được RSF tiến hành một cách có chủ ý.
Phải khẳng định rõ là Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của mọi công dân. Và cũng như các quốc gia khác, để giữ gìn kỷ cương và bảo đảm sự ổn định để phát triển, Nhà nước Việt Nam không cho phép lợi dụng những quyền này để tuyên truyền, kích động lật đổ chính quyền, phá hoại khối đoàn kết dân tộc. Những “nhà báo Việt Nam” mà RSF lên tiếng “ bảo vệ” thực chất là những blogger vi phạm chính sách, pháp luật Việt Nam. Trên thực tế, Ðảng và Nhà nước Việt Nam luôn lắng nghe và tôn trọng ý kiến đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân đối với việc xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật, thông qua các hình thức phản biện xã hội, qua hệ thống báo chí truyền thông. Báo chí Việt Nam vì thế đã là kênh thông tin, phản biện xã hội rộng rãi, công khai, dân chủ, nhanh chóng, có hiệu quả và sự thật ấy là bằng chứng cho thấy bản chất sự việc mà RSF tự cho mình cái quyền nhận xét về tự do báo chí ở Việt Nam./.