(VOV5) - Trong các công trình, tác phẩm của mình, Tổng Bí thư đã tổng kết sâu sắc thực tiễn, nâng lên thành lý luận đường lối đổi mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: baochinhphu.vn |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà tư tưởng, nhà văn hóa, luôn giương cao ngọn cờ lý luận của Đảng, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Ông đi vào lịch sử Việt Nam với tư cách một nhà lãnh đạo xuất sắc.
Trên 55 năm hoạt động liên tục, được tôi luyện trong thực tiễn cách mạng, với tầm nhìn chiến lược, tư duy lý luận sắc bén, gắn kết chặt chẽ với tổng kết thực tiễn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng xây dựng Đảng cộng sản Việt Nam ngày càng trong sạch, vững mạnh; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; bổ sung, hoàn thiện và lãnh đạo thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, xây dựng đất nước Việt Nam.
Dấu ấn trong công tác tư tưởng và trong công cuộc phòng, chống tham nhũng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành sự quan tâm lớn đối với công tác tư tưởng của Đảng. Trong mọi hoàn cảnh, ông luôn thể hiện bản lĩnh, trí tuệ của người cộng sản có tầm nhìn chiến lược; tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng và dân tộc, các nguyên tắc của Đảng; giữ gìn, nêu cao và lan tỏa phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, tiên phong, gương mẫu, khiêm tốn, bình dị, gần gũi nhân dân.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phan Đình Trạc. Ảnh: TTXVN |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước hết là một nhà lý luận. Trên cương vị của mình, ông đã có nhiều công trình, tác phẩm, sách, bài viết mang tầm lý luận, có giá trị cao. Trong các công trình, tác phẩm của mình, Tổng Bí thư đã tổng kết sâu sắc thực tiễn, nâng lên thành lý luận đường lối đổi mới. Tiêu biểu như các tác phẩm: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”; “Biến thách thức thành cơ hội, quyết tâm tạo đột phá đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững”; “Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”; “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”;… Nhà báo Hà Đăng chia sẻ: "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong những lãnh đạo của Đảng đã kết hợp một cách rất nhuần nhuyễn lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin và về Chủ nghĩa Xã hội Việt Nam theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Trong quá trình đó, Tổng Bí thư đã gắn chặt chẽ lý luận với thực tiễn và bao giờ cũng lấy thực tiễn như là tiêu chuẩn của chân lý.
Công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng mà đứng đầu là Tổng Bí thư đã đạt được nhiều kết quả quan trọng cả về lý luận và thực tiễn, thấm đẫm tính nhân văn trong đối xử với sự việc, với con người vì lợi ích của quốc gia, dân tộc. Chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam đã đạt được những thành quả đáng kể khi không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Theo Tổng Bí thư, thực tiễn chống tham nhũng dù “ rất đau xót” nhưng đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phan Đình Trạc, cho biết: "Tổng Bí thư nhiều lần phát biểu rất đau xót khi phải xử lý kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình nhưng mà vì sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của nhà nước và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân nên phải làm và kiên quyết làm. Có thể nói chưa bao giờ công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực của Việt Nam lại được lãnh đạo chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, hiệu quả như thời gian vừa qua. Sự gương mẫu, quyết liệt, kiên trì, kiên quyết, nói đi đôi với làm của Tổng Bí thư, Trưởng ban chỉ đạo, là chỗ dựa vững chắc, là sự đảm bảo về mặt chính trị, tạo nên động lực to lớn. Do đó, đây là nhân tố hàng đầu quyết định thành công trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của Việt Nam trong thời gian qua".
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: vov.vn |
Dấu ấn trong xây dựng và phát triển nền ngoại giao, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc
Vận dụng và phát triển sáng tạo phương pháp nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới của đất nước và thời đại, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cùng Đảng lãnh đạo chỉ đạo xây dựng và phát triển nền Ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam: đó là mềm mại khôn khéo nhân văn nhưng kiên cường, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo ứng biến trước khó khăn thử thách. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng: "Có thể khẳng định Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tạo nên những dấu ấn rất quan trọng trong xây dựng và triển khai đường đối ngoại của Đảng và nhà nước trong thời kỳ đổi mới, góp phần quan trọng tạo dựng và củng cố quan hệ đối ngoại rộng rãi, thuận lợi cho xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc,nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam trên trường quốc tế".
Trong xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhắc nhở cán bộ Đảng viên và nhân dân khắc ghi lời đúc kết sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân; trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Trong các bài viết, bài nói chuyện, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn bày tỏ quan điểm tư tưởng nhất quán: dân là gốc; nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mọi chính sách của Đảng, của Nhà nước phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng của nhân dân. Đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ trung tâm của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Đỗ Văn Chiến, cho rằng: "Tôi có những chuyến tháp tùng trên Tổng bí thư đi các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nam Bộ. Đến đâu bác cũng thăm hỏi nhân dân, quan tâm, dành tình cảm riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số và nơi có đông đồng bào tôn giáo sinh sống. Kế thừa những nhiệm kỳ trước và thực hiện chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, Tổng Bí thư đã chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 24 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 9 về công tác dân tộc. Và trên tinh thần đó, Bộ Chính trị chỉ đạo xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia riêng nhằm giải quyết những khó khăn cho đồng bào của dân tộc thiểu số và miền núi".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi xa, song người dân Việt Nam sẽ nhớ mãi về ông như một nhà lãnh đạo cấp cao có tầm tư duy chiến lược, luôn trăn trở, lo toan cho dân, cho nước nhưng cũng giản dị, gần gũi và giàu lòng nhân ái. Ông đi vào lịch sử là một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng cộng sản Việt Nam.