(VOV5) -Chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump nhằm tiếp tục thể hiện cam kết hợp tác đối với các đồng minh và đối tác của Washington tại châu Á.
Ngày 3/11, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bắt đầu chuyến công du đầu tiên tới châu Á trên cương vị nhà lãnh đạo Mỹ. Kéo dài đến ngày 14/11, tới 5 quốc gia, đây là chuyến công du dài nhất của một Tổng thống Mỹ tới châu Á trong nhiều năm qua.
Chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump nhằm tiếp tục thể hiện cam kết hợp tác đối với các đồng minh và đối tác của Washington tại khu vực này. Bài viết Tổng thống Donal Trump thăm châu Á: Chuyến đi nhiều mục đích.
Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Donald Trump: Chuyến đi củng cố lợi ích ở châu Á (Ảnh AP) |
Theo lịch trình, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ tới Hawaii trước khi đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines. Ngoài các cuộc gặp với nguyên thủ các nước, ông Trump cũng sẽ tham dự Hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam và Hội nghị Cấp cao Mỹ - ASEAN ở Manila, Philippines.
Trong một thông cáo đưa ra mới đây, Chính phủ Mỹ cho biết chuyến đi của người đứng đầu Nhà trắng sẽ nhấn mạnh cam kết của ông đối với các đồng minh và đối tác lâu đời của Mỹ, đồng thời khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ tại một khu vực châu Á - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Trấn an đồng minh, thúc đẩy thương mại và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên
Đây là những nội dung nổi bật của chuyến thăm châu Á lần này của Tổng thống Hoa Kỳ. Dễ dàng nhận thấy, 3 trong 5 điểm đến trong chuyến công du châu Á của Tổng thống Mỹ Dolad Trump là đồng minh của Mỹ (Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines). Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Quan hệ Trung-Mỹ Stephen Orlins dự đoán việc trấn an các nước đồng minh trong khu vực là một trong những nhiệm vụ quan trọng của chuyến đi này. Đặc biệt, việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khiến các nước liên quan lo lắng chính sách đầu tư kinh tế của Washington vào khu vực này. Theo giới quan sát, ngoài tăng cường quan hệ đồng minh chiến lược, ông Trump cũng cần thể hiện rằng Mỹ vẫn coi trọng quan hệ kinh tế với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương và sẵn sàng mở cửa thị trường cho các đối tác châu Á.
Đối với Nhật Bản, các vấn đề kinh tế thương mại được cho là chủ đề trọng điểm giữa lãnh đạo 2 bên. Giữa tháng 10 vừa qua, Phó Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đồng chủ trì vòng đàm phán thứ hai về đối thoại kinh tế cấp cao song phương Mỹ-Nhật tại Washington.
Báo cáo của Nhà Trắng khi đó cho thấy, hai nước đã đạt được một số đồng thuận chung về thương mại tuy nhiên hai bên vẫn còn tồn tại một số mâu thuẫn rõ rệt khi kết quả cuộc đối thoại không đề cập tới Hiệp định thương mại tự do Mỹ-Nhật. Ngoài ra, hai bên còn nhiều ý kiến bất đồng trên phương diện thương mại đa phương khi Washington đang tái đàm phán Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ còn Tokyo lại chú trọng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Kết thúc chuyến thăm Nhật Bản, ngày 7/11, Tổng thống Trump sẽ bắt đầu chuyến công du Hàn Quốc. Phát ngôn viên Nhà Xanh Park Soo-hyun cho biết hội nghị song phương cấp cao giữa lãnh đạo 2 bên sẽ đề cập tới một số vấn đề như tăng cường quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn, thảo luận vấn đề CHDCND Triều Tiên và tình hình Đông Bắc Á.
Giống như Nhật Bản, ngoài vấn đề CHDCND Triều Tiên, các đàm phán thương mại cũng sẽ ảnh hưởng tới quan hệ song phương Mỹ-Hàn. Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ-Hàn đã thảo luận về Hiệp định thương mại tự do Mỹ-Hàn và vấn đề thao túng tiền tệ vào hôm 14/10 tại Washington.
Tại Trung Quốc, Tổng thống Trump cũng có thể sẽ đề cập tới vấn đề CHDCND Triều Tiên. Nhân chuyến thăm của ông Trump, Trung Quốc có thể sẽ đưa ra một số biện pháp nhằm giảm thiểu thâm hụt thương mại giữa Bắc Kinh và Washington.
Tận dụng diễn đàn đa phương
Cùng với các chuyến thăm song phương, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ tham dự Hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam và Hội nghị Cấp cao Mỹ - ASEAN ở Manila, Philippines. Đây là cơ hội tốt để Tổng thống Mỹ bày tỏ quan điểm về vị trí của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong chính sách đối ngoại của Nhà Trắng, cũng như về hoạt động chung với các nước trong khu vực trước những nguy cơ và thách thức toàn cầu mới.
Dự kiến Tổng thống Donald Trump kêu gọi các quốc gia thành viên cải cách kinh tế và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế cao hơn, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại điện tử, thương mại kỹ thuật số và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nếu họ muốn thúc đẩy sáng kiến mậu dịch tự do ở châu Á - Thái Bình Dương.
Có thể nói chuyến thăm châu Á từ 3 – 14/11 là cơ hội lớn để củng cố và thúc đẩy các lợi ích của Mỹ trong khu vực. Đây sẽ chuyến công du lịch sử bởi những thông điệp được gửi đi của ông chủ Nhà Trắng sẽ giúp nhận diện rõ hơn chính sách của chính quyền Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mà điều cho đến nay vẫn còn khá mơ hồ.