(VOV5) - Những ngày này, cả nước đang có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa kỷ niệm 66 năm Ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2013). Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam hết sức coi trọng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và gia đình người có công với nước, đặc biệt là rất chú trọng hoàn thiện hệ thống về chính sách đền ơn đáp nghĩa.
Lãnh đạo TP Hạ Long thăm, tặng quà ông Trần Văn Dũng, thương binh 1/4 (tổ 11, khu 4, phường Hà Lầm, TP Hạ Long) nhân kỷ niệm 66 năm Ngày Thương binh liệt sĩ 27-7 (1947-2013).
Ngày 27/7/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Thường trực ban Tổ chức “Ngày thương binh toàn quốc”, bày tỏ sự biết ơn đối với thương binh, bệnh binh, liệt sĩ, gia đình liệt sĩ và người có công với nước. Kể từ ngày đó, để tưởng nhớ những người đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc và tri ân những gia đình có công với đất nước, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn xây dựng nhiều chủ trương, chính sách mới đối với người có công với cách mạng, phù hợp với từng thời kỳ phát triển của đất nước. Các chính sách ngày một thiết thực, gần đây nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Nghị định này bổ sung thêm đối tượng cần được ưu đãi cũng như chế độ ưu đãi đối với người có công với đất nước. Nghị định mới đã tạo điều kiện cho rất nhiều thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng có cuộc sống tốt hơn. Ông Hoàng Công Thái, Cục trưởng cục Người có công, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: Nghị định có một số điểm mới. Thứ nhất, các đối tượng là người hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đầy, trước đây chỉ được hưởng trợ cấp 1 lần, hiện nay, được chuyển sang trợ cấp hàng tháng. Thứ hai, chế độ điều dưỡng đối với người có công, trước đây 5 năm mới được điều dưỡng một lần nhưng nay rút ngắn lại xuống hai năm, tần suất được điều dưỡng tăng lên, mức cho một lần điều dưỡng lên 2,2 triệu đồng. Bà mẹ Việt Nam anh hùng và người bị nhiễm chất độc hóa học 81% trở lên sẽ có mức trợ cấp cho người phục vụ. Người có công và thân nhân được hưởng mức bảo hiểm y tế và cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Cùng với nghị định bổ sung thêm đối tượng cần được ưu đãi cũng như chế độ ưu đãi đối với người có công với đất nước, ngày 26/4/2013, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt và ban hành chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Điều đó đồng nghĩa với việc từ năm 2013, hàng nghìn hộ gia đình người có công với cách mạng sẽ được về ở trong những ngôi nhà mới. Ông Hoàng Công Thái cho biết thêm: Chính phủ đã bố trí 2500 tỷ đồng. Bên cạnh sỗ tiền này, bằng nguồn lực của gia đình người có công và bằng những nguồn xã hội hóa sẽ hoàn thiện 71000 căn nhà cho đối tượng người có công đang gặp khó khăn về nhà ở. Việc chăm sóc người có công là trách nhiệm của toàn xã hội, của các địa phương, bộ, ngành trên cả nước. Việc này đều được các đơn vị xây dựng phối hợp và thực hiện việc đền ơn đáp nghĩa trong cả năm.
Các chính sách thiết thực của Đảng và Nhà nước đối với người có công đã trở thành hành lang pháp lý quan trọng để các ngành, các cấp và toàn thể cộng đồng xã hội thường xuyên thực hiện các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Những năm qua, các ngành, đoàn thể, địa phương có nhiều hình thức, biện pháp và cách làm sáng tạo trong việc đền ơn đáp nghĩa, chung tay chăm lo cho các gia đình cách mạng như: Xây dựng nhà tình nghĩa, góp quỹ đền ơn đáp nghĩa, thành lập ‘Tổ thương binh tình nghĩa”, “Đi tìm đồng đội’, “Xã phường làm công tác chăm sóc người có công”…đã mang lại hiệu quả to lớn. Theo đó, trong số 8,8 triệu người có công trong cả nước, khoảng 1,4 triệu người được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Từ Quỹ đền ơn đáp nghĩa với gần 2600 tỷ đồng đã xây dựng trên 400 000 căn nhà tình nghĩa cho người có công. Hàng triệu người có công khác cũng được giúp đỡ, hỗ trợ thường xuyên, giúp người có công vững tin hơn và tiếp tục cống hiến vào sự phát triển chung của xã hội./.