Triển khai mạnh mẽ ngoại giao đa phương trong thời kỳ mới

(VOV5)- Hội nghị nhằm bàn các giải pháp nâng tầm đối ngoại đa phương của Việt Nam.


Hôm nay (12/8), Việt Nam lần đầu tiên chủ trì hội nghị bàn về chính sách đối ngoại đa phương. Hội nghị nhằm bàn các giải pháp nâng tầm đối ngoại đa phương của Việt Nam, tăng cường đóng góp của Việt Nam với những quan tâm chung của quốc tế và khu vực, thể hiện nỗ lực của Việt Nam mong muốn đóng góp vai trò lớn hơn trong cục diện thế giới đa trung tâm hiện nay. 


Khoảng gần 200 đại biểu đại diện cho các bộ, ngành, địa phương và học giả quốc tế, trong đó có nguyên Tổng Giám đốc Tổ chức thương mại thế giới (WTO) Pascal Lamy, nguyên Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Jayantha Dhanapala, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Singapore George Yeo, tham gia Hội nghị. Cùng với đó, sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên khai mạc Hội nghị, thể hiện tầm quan trọng và sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam cũng như quốc tế đối với sự kiện này.


Triển khai mạnh mẽ ngoại giao đa phương trong thời kỳ mới - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị Đối ngoại đa phương thế kỷ 21


Kinh nghiệm từ ngoại giao đa phương


Thời gian qua, triển khai mạnh mẽ chủ trương hội nhập quốc tế, Việt Nam đã chuyển từ góp mặt tham gia các sự kiện sang giai đoạn tham gia chủ động, tích cực đề xuất sáng kiến và đóng góp thực chất với trách nhiệm cao trong các vấn đề an ninh, phát triển chung của khu vực và thế giới. Ở tầm khu vực, Việt Nam đã phát huy tư thế của một thành viên có trách nhiệm, góp phần đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng ASEAN, củng cố đoàn kết và tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực. Trên bình diện quốc tế, việc Việt Nam quyết định tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc với số phiếu cao nhất, được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và lần đầu tiên được bầu vào Ủy ban liên Chính phủ của Công ước 1972 về Di sản thế giới của Tổ chức UNESCO, đã nâng cao thêm uy tín và vị thế của Việt Nam trên thế giới. 


Cũng không phải ngẫu nhiên mà tháng 3 năm nay, Tổng giám đốc Cơ quan phát triển Liên hợp quốc Helen Clark, đồng thời là Chủ tịch nhóm các nước phát triển của Liên hợp quốc, chọn Việt Nam là địa điểm chủ trì cuộc họp của tất cả các trưởng đại diện của các nước trong khu vực để bàn về tăng trưởng kinh tế bền vững. Tại đây, bà Helen Clark đã nhấn mạnh: Báo cáo Phát triển con người năm 2013 của UNDP, với tiêu đề “Sự trỗi dậy của phương Nam: Tiến bộ của loài người trong một thế giới đa dạng”, đã ghi nhận Việt Nam là một trong những nước rất năng động và thành công lớn với tiến bộ về phát triển con người đặc biệt nổi bật. Thành tựu về kinh tế và xã hội của Việt Nam đã cải thiện cuộc sống của rất nhiều người dân. Tuy nhiên, dù hiện đối mặt với phát triển kinh tế chậm lại, Chính phủ Việt Nam đang tích cực hình thành các cải cách kinh tế để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và đảm bảo tiếp tục các tiến bộ kinh tế xã hội đáng ghi nhận trong hai thập kỉ qua.


Còn theo Đại sứ, trưởng đại diện phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc Lê Hoài Trung, chính những thành tựu trong việc thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, hay những đóng góp tích cực của Việt Nam trong quá trình cải cách Liên hợp quốc thời gian gần đây đã tạo cho Việt Nam có tiếng nói quan trọng hơn trong các vấn đề lớn của thế giới: Liên hợp quốc đang tiến hành đồng thời ba quá trình. Một là, kiểm điểm quá trình thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đến năm 2015, sẽ có hội nghị cấp cao đề ra chương trình phát triển thiên niên kỷ mới. Hai là, xây dựng các mục tiêu để phát triển bền vững. Ba là, xây dựng chương trình phát triển sau năm 2015. Phải nói là trên cả ba lĩnh vực, thì Việt Nam đều có thế mạnh. Và Liên hợp quốc đánh giá cao, mong muốn chúng ta chia sẻ kinh nghiệm.


Xây dựng tầm nhìn dài hạn về công tác đối ngoại đa phương


Không những tích cực tham gia trong các cơ chế hợp tác đa phương, trong tầm nhìn dài hạn, Việt Nam cũng đã từng bước xây dựng kế hoạch tổng thể cho việc đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC năm 2017, ứng cử vào ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021. Việc hình thành một tư duy dài hạn, cách tiếp cận đa ngành đối với những vấn đề đa phương, từ đó huy động được sức mạnh của tất cả các ngành tham gia hoạt động ngoại giao đa phương, được Chính phủ, ngành ngoại giao nói riêng hết sức chú trọng. Tại Hội nghị của ngành ngoại giao Việt Nam, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chỉ rõ: Cần suy nghĩ cách thức và biện pháp để phát huy tốt hơn vị thế hiện nay, cũng như các cơ chế, diễn đàn phục vụ các mục tiêu an ninh, phát triển của đất nước. Không chỉ chủ động, tích cực tham gia, mà còn đóng góp, xây dựng các khuôn khổ trong các diễn đàn khu vực và quốc tế mà Việt Nam có lợi ích, qua đó nâng cao hơn nữa vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.


Trong thời gian tới, hoạt động ngoại giao đa phương không nằm ngoài mục tiêu tham gia một cách tích cực, chủ động, đóng góp chung vào công việc của thế giới như duy trì hòa bình, ổn định, xử lý những thách thức chung đồng thời cũng góp phần duy trì hòa bình, ổn định cho công cuộc phát triển đất nước. Chính vì vậy, với việc chủ động đăng cai tổ chức Hội nghị lần này, chắc chắn Việt Nam sẽ có thêm kinh nghiệm để hoạch định và triển khai đối ngoại đa phương, tăng cường đóng góp của Việt Nam vào những quan tâm chung của quốc tế và khu vực, nhất là trong 5-10 năm tới, khi Việt Nam đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác