Triển khai tốt chính sách về bảo hiểm y tế để đảm bảo an sinh xã hội

(VOV5) – Trong thời gian tới Việt nam sẽ tiếp tục có những cải cách để chính sách bảo hiểm y tế đảm bảo quyền lợi hơn nữa cho người dân, góp phần thực hiện tốt hơn quyền con người.

Chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế được Chính phủ Việt Nam triển khai thực hiện gần 20 năm nay. Những thành quả thu được trong thời gian qua đã được nhiều đại biểu Quốc hội ghi nhận tại phiên họp Quốc hội cuối tuần qua ở nhiều khía cạnh, đặc biệt chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế đã trở thành một trụ cột của an sinh xã hội. 
 

Triển khai tốt chính sách về bảo hiểm y tế để đảm bảo an sinh xã hội - ảnh 1

Qua báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội và qua thực tiễn gần 20 năm thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế đã khẳng định quan điểm chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước về chăm sóc sức khỏe toàn dân. Chính từ những ưu việt, nhân đạo của chính sách trên, chỉ trong 4 năm giai đoạn 2009 - 2012 tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế tăng thêm 8,6%. Số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ tăng từ 4537 tỷ đồng năm 2009 lên 16.937 tỷ đồng năm 2012.

 

Chính sách trụ cột của an sinh xã hội
Quỹ bảo hiểm y tế từ bội chi năm 2009 là 3.000 tỷ đồng, đến năm 2012 đã đủ chi và kết dư lên đến gần 13.000 tỷ đồng. Đặc biệt tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt khoảng 70%, đánh dấu bước thành công quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. 


Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, đánh giá:
Phải nói rằng gần 20 năm thực hiện chính sách bảo hiểm y tế của Việt Nam, đặc biệt là qua 4 năm thực hiện Luật bảo hiểm y tế, chúng tôi thấy Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc thực hiện chính sách này. Với điều kiện người dân Việt Nam còn nghèo, thu nhập bình quân khoảng 1.700 USD mà Việt Nam đã đạt được tỷ lệ 70% dân số có tham gia bảo hiểm y tế. Đặc biệt một điều đáng quan tâm là Nhà nước đã đảm bảo an sinh xã hội rất lớn trong việc giúp cho những người nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi, người già, những đối tượng bảo trợ xã hội có bảo hiểm y tế bằng sự hỗ trợ gần như 100%. Đây là chính sách rất lớn.

 Về cơ sở vật chất, việc triển khai chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế, trong đó có thực hiện chủ trương bệnh viện tự chủ, chủ trương xã hội hoá, nhiều trang thiết bị hiện đại được đưa vào sử dụng, đã giúp công tác khám chữa bệnh đạt chất lượng, bộ mặt nhiều bệnh viện khang trang hơn.

 

Tiếp tục điều chỉnh trên cả 3 bình diện: quản lý, nhân lực và chính sách
Trên thành quả tích cực đó, vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để chính sách bảo hiểm y tế được tốt hơn nữa. Điều này cần triển khai toàn diện ở cả khâu quản lý, tổ chức đội ngũ cán bộ làm công tác bảo hiểm y tế và chính sách.

 

Về đổi mới cách quản lý các bệnh viện, ông Nguyễn Văn Tiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, đề xuất: Một trong những vấn đề là cần tách rời các khu dịch vụ ra khỏi khu khám bệnh theo bảo hiểm. Thứ 2 là đảm bảo sự minh bạch trong các bệnh viện công, không có sự lẫn lộn giữa công và tư, sử dụng hay tranh thủ sử dụng tài sản của Nhà nước. Chúng ta nên tổ chức các khu vực dịch vụ riêng, hạch toán riêng, nhân lực riêng. Tách rời khu dịch vụ ra khỏi khuôn viên của bệnh viện. Để làm được việc này, Nhà nước phải bố trí nguồn vốn vay cho các bệnh viện để họ đầu tư xây dựng các khu vực dịch vụ riêng.

 

Về bố trí nguồn nhân lực, ông Nguyễn Văn Tiên kiến nghị: Chúng tôi nghĩ rằng tổ chức giám định bảo hiểm y tế độc lập là rất quan trọng. Năm 2008, khi Quốc hội thảo luận Luật bảo hiểm y tế, nhiều ý kiến đã đề nghị chúng ta phải tổ chức đội ngũ giám định. Trước mắt chúng ta cần tăng cường chất lượng, số lượng đội ngũ giám định, hiện nay mới có 2 nghìn nhân viên. Ở đây còn một điều nữa, vai trò của Bộ y tế là làm thế nào để đảm bảo sự công bằng giữa một bên là bảo hiểm  y tế và khám bệnh bình thường.

 

Về chính sách pháp luật tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIII, Quốc hội cũng sẽ sửa đổi một số quy định của Luật bảo hiểm y tế. Chính phủ cũng vừa trình Quốc hội thống nhất giá dịch vụ y tế ở các bệnh viện cùng hạng.  

 

Sau gần 20 năm thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế và gần 4 năm Luật bảo hiểm y tế có hiệu lực, Việt Nam đang đang từng bước hoàn thiện chính sách, cách tổ chức để đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người dân tham gia bảo hiểm y tế cũng chính là một trong những biểu hiện cụ thể của đảm bảo quyền con người./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác