Triển vọng đàm phán hòa bình Syria: Nhiều lý do để bi quan

(VOV5) - Những ngày cuối cùng của năm 2016, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết chấp thuận lệnh ngừng bắn ở Syria, vốn do Nga – Thổ Nhĩ Kỳ - Iran đứng ra làm trung gian, mở đường cho cuộc đàm phán hòa bình dự kiến diễn ra tại thủ đô Astana của Kazakhstan vào cuối tháng này. 


Triển vọng đàm phán hòa bình Syria: Nhiều lý do để bi quan - ảnh 1
hông quân Nga tăng cường các đợt không kích trong 2 ngày 11 và 12/1
 tại khu vực quanh Aleppo


Nhìn bề ngoài, lệnh ngừng bắn là sự đồng thuận giữa quân đội Chính phủ và các lực lượng đối lập, bên cạnh Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, có nhiều yếu tố để không thể lạc quan về triển vọng của cuộc đàm phán này do  có sự khác biệt lớn về mục tiêu chính trị của các bên liên quan.

Thỏa thuận ngừng bắn tại Syria đạt được giữa Chính phủ Syria và các nhóm đối lập thông qua sự trung gian của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Thỏa thuận cũng mở đường cho một cuộc đàm phán sẽ diễn ra cuối tháng này. Song, kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực đến nay, ngoài các dấu hiệu vi phạm trên thực địa, các cáo buộc và tuyên bố qua lại nhau giữa các bên khiến dư luận không thể lạc quan về một nền hòa bình thực sự được thiết lập ở Syria.

Mấu chốt vẫn là vấn đề mâu thuẫn sắc tộc

“Chúng tôi không chỉ muốn ông Assad từ chức, mà chúng tôi muốn cả chế độ Assad phải chấm dứt,” Abu Mohammed, tư lệnh chỉ huy của một đơn vị lực lượng nổi dậy tại phía Bắc Aleppo, một trong những bên tham gia ký kết thoả thuận ngừng bắn đã tuyên bố như vậy. Nếu hiệp định tại Astana bắt chúng tôi phải hoà hoãn với một chế độ đã từng giết chết 300.000 thường dân và không đếm xỉa gì đến nguyện vọng của người dân Syria, chúng tôi sẽ trở lại chiến trường. Hiện có khoảng 80.000 quân lính thuộc các lực lượng nổi dậy tại Syria, trong đó, 60.000 người chịu ảnh hưởng trực tiếp của thoả thuận ngừng bắn. Điều đáng nói là, bất chấp tất cả những khác biệt, từ những lực lượng có vai trò chủ chốt, các nhóm quy mô nhỏ, cho đến các đơn vị vũ trang tự phát, nhưng mục tiêu của những bên đã chiến đấu chống lại chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad trong hơn 5 năm vừa qua dường như đều tương tự nhau. Đó là mong muốn Tổng thống Bashar al-Assad phải rời khỏi chiếc ghế quyền lực và hình thành một chính phủ mới tại Syria.

Dĩ nhiên, hy vọng này không chỉ đơn giản nằm ở sự thay đổi người đứng đầu chính phủ. Với việc lật đổ ông Assad và hướng tới một chính phủ mới do người dân bầu cử, các lực lượng nổi dậy, mà phần lớn trong số đó là người Sunni, theo đuổi mục tiêu thay đổi sự cân bằng quyền lực giữa các phe phái trong bộ máy quyền lực của đất nước. Trong 40 năm được điều hành bởi gia đình Assad và các thành viên chính phủ thuộc cộng đồng Alawite, Syria nằm dưới sự chỉ đạo của một nhóm thiểu số người Shiite, và “gạt ra bên lề” vai trò của cộng đồng người Sunni, những người chiếm tới hơn 70% dân số Syria trước khi chiến tranh xảy ra.Lệnh ngừng bắn được cho là sẽ tạo đường một cuộc bầu cử Tổng thống mới, song lại không nói gì tới việc kết thúc sự cầm quyền của người Alawite. Một số nguồn tin cho rằng, ông Assad sẽ được thay thế bởi một quan chức thân cận với mình, nhưng ít “tai tiếng” hơn. Trong thực tế, nhiều nhà quan sát nhận định để người Alawite tiếp tục cầm quyền là một điều kiện được đưa ra bởi Iran – một trong những lực lượng đồng minh thân cận, đã sát cánh cùng ông Assad trong suốt bốn năm qua.

Có quá nhiều nhóm đối lập

Một thử thách khác cho lệnh ngừng bắn chính là số lượng đông đảo các lực lượng, nhóm và đơn vị vũ trang đối lập tại Syria. Có 54 nhóm đối lập đang hoạt động tại mặt trận phía Nam. Tại phía Bắc và phía Tây, có khoảng 60 nhóm. Ngoài ra, hiện còn có một số nhóm có liên hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm đưa các đơn vị vũ trang người Kurds và IS trở lại miền Bắc. Sự chia rẽ giữa các lực lượng đối lập này cho thấy việc thống nhất tuân theo các điều khoản trong lệnh ngừng bắn của hơn 100 nhóm đối lập tại Syria là vô cùng mong manh. Ngoài ra, một lý do khác nữa đe dọa thoả thuận ngừng bắn đó là phong trào cực đoan có liên hệ với Al Qaeda, Jabhat Fateh al Sham (còn gọi là Jabhat al Nusra). Trong khi các lực lượng đối lập tại Syria khăng khăng cho rằng Nursa cũng là một phần trong thoả thuận, thì Quân đội Syria và truyền thông Nga lại tuyên bố phủ nhận. Thực tế, al-Nusra đã luôn gắn bó và sát cánh với các nhóm đối lập tại Syria, cùng tham gia các trận chiến. Mối quan hệ thân thiết này sẽ khiến Nga và Thổ Nhĩ Kỳ gặp  nhiều khó khăn trong những nỗ lực nhằm cô lập Nusra. Nó cũng có thể được chính phủ Syria lấy làm cái cớ, để tiếp tục chiến dịch chống lại các lực lượng đối lập, khiến thoả thuận ngừng bắn rơi vào bế tắc.

Bất chấp tuyên bố lạc quan của Tổng thống Syria Bashar al-Assad về triển vọng đàm phán, các nhà phân tích chính trị cho rằng lệnh ngừng bắn, do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đề xuất, khó có thể giữ được lâu dài do những bên liên quan dường như không thật sự có ý định kết thúc chiến tranh. Mọi lực lượng tham gia xung đột tại Syria đều đang theo đuổi mục đích riêng của mình và điều này đang cản trở tiến trình thiết lập một nền hòa bình thực sự ở Syria.

Phản hồi

Các tin/bài khác