(VOV5) - Giới chuyên gia và các định chế tài chính quốc tế lớn vẫn liên tiếp đưa ra cảnh báo về những rủi ro và nguy cơ đối với kinh tế toàn cầu
Bất chấp việc số bệnh nhân Covid-19 toàn cầu liên tục gia tăng và thiết lập các kỷ lục mới cả về số người mắc và số ca tử vong, nền kinh tế thế giới vẫn có những dấu hiệu phục hồi tích cực.
Tuy nhiên, giới chuyên gia và các định chế tài chính quốc tế lớn vẫn liên tiếp đưa ra cảnh báo về những rủi ro và nguy cơ đối với kinh tế toàn cầu, khi mà dịch bệnh tại hầu hết các khu vực vẫn chưa được kiểm soát.
So với các cuộc suy thoái gần đây, có vẻ như dòng chảy thương mại toàn cầu dường như đã phục hồi nhanh hơn – Nguồn:taichinhdoanhnghiep.net.vn |
Theo các báo cáo mới công bố trong tuần cuối cùng của tháng 11, nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu phục hồi lạc quan, thể hiện qua một số chỉ số, đứng đầu là hoạt động thương mại.
Hoạt động thương mại toàn cầu phục hồi nhanh
Hoạt động thương mại toàn cầu đang có sự phục hồi tốt với tốc độ nhanh hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Theo Văn phònng phân tích chính sách kinh tế CPB của Hà Lan, dòng chảy hàng hóa xuyên biên giới trong quý III vừa qua đã tăng tới 12,5% so với quý II trước đó, mức tăng cao nhất trong 20 năm qua.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva. - Ảnh: AFP/TTXVN |
Dòng chảy thương mại toàn cầu bắt đầu phục hồi mạnh vào giữa năm nay khi vận tải đường biển và đường hàng không được mở trở lại, trong khi nhu cầu hàng tiêu dùng cũng tăng nhanh. Hoạt động thương mại tiếp tục được cải thiện tốt kể từ cuối quý III. Các cuộc khảo sát Giám đốc mua hàng tại nhiều nhà máy trên khắp thế giới cho thấy lượng đơn hàng xuất khẩu tiếp tục tăng trong tháng cuối cùng của quý này. Trong khi đó, thước đo lưu lượng container của Viện nghiên cứu kinh tế Leibniz (Đức) và Viện kinh tế Vận tải và Logistics cũng ghi nhận mức cao kỷ lục trong tháng 10 vừa qua.
Trong một báo cáo mới đây, Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cũng nhận định dòng chảy thương mại đã trở lại mức trung bình dài hạn, cho thấy sự phục hồi có khả năng được duy trì.
Theo các chuyên gia, sự phục hồi hoạt động thương mại toàn cầu có sự đóng góp quan trọng của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và được coi là công xưởng sản xuất của thế giới. Nhờ sớm kiểm soát tốt dịch bệnh, Trung Quốc đã nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất và thúc đẩy xuất khẩu. Theo các số liệu cập nhật, kinh tế Trung Quốc đã đạt tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 0,7% giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi GDP quý III tăng 4,9%, là một trong số ít nền kinh tế đạt mức tăng trưởng dương.
Vẫn còn nhiều rủi ro
Ngày 19/11, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhận định kinh tế toàn cầu đang dần phục hồi từ cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19, song có những dấu hiệu cho thấy đà phục hồi bị chậm lại do số ca nhiễm tăng lên tại một số nước. Theo bà Georgieva, việc dịch bệnh tái bùng phát là lời nhắc nhở quan trọng rằng phục hồi kinh tế bền vững sẽ không thể đạt được, đến khi các quốc gia phòng tránh và giảm thiểu sự lây lan của đại dịch Covid-19 ở mọi nơi. Trong khi đó, thực tế thì đại dịch đang diễn biến hết sức phức tạp trên phạm vi toàn cầu với cả số bệnh nhân và số ca tử vong đều liên tiếp thiết lập các kỷ lục mới.
Một ví dụ khá rõ là ngay trong đà phục hồi của hoạt động thượng mại toàn cầu cũng có sự khác biệt rất lớn giữa các khu vực địa lý. Theo đó, sức mạnh phục hồi thương mại của Trung Quốc và các nước đang phát triển ở châu Á là tốt nhất, trong khi Mỹ và châu Âu bị tụt lại. Cụ thể, theo các số liệu của CPB, trong lúc xuất khẩu của Trung Quốc và các nước đang phát triển ở châu Á đã vượt qua mức trước đại dịch vào tháng 9, thì xuất khẩu của Mỹ và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn giảm lần lượt là 9% và 2,6%. Bên cạnh đó, theo WTO, tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu có thể sẽ chậm lại khi năm 2020 kết thúc, do nhu cầu đối với hàng hóa tích tụ trong thời kỳ phong tỏa vào mùa Xuân đã được đáp ứng phần lớn, cùng với việc các doanh nghiệp gần như tích lũy lại hàng tồn kho.
Một chỉ số đáng quan ngại nữa là tại nền kinh tế lớn thế nhất là Mỹ, kết quả khảo sát của tổ chức nghiên cứu Conference Board cho thấy lòng tin tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 11/2020 giảm mạnh hơn dự kiến và thực tế này củng cố hơn cho dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm mạnh trong quý IV/2020. Trong quý này, kinh tế Mỹ được dự báo tăng trưởng dưới 5%. Trước đó, kinh tế Mỹ sụt giảm tới 31,4% trong quý II, mức giảm sâu nhất kể từ năm 1947, rồi tăng trở lại ở mức 33,1% trong quý III. Điều đáng nói là kinh tế Mỹ đang giảm tốc trong bối cảnh gói cứu trợ trị giá hơn 3.000 tỷ USD của Chính phủ hồi đầu năm đã hết hiệu lực, trong khi gói cứu trợ mới chỉ có thể được thực hiện sau khi Tổng thống mới nhậm chức vào ngày 20/1/2021. Hơn thế, nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng đang là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của đại dịch khi đứng đầu thế giới cả về số ca mắc và số người tử vong.