(VOV5) - Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, dự thảo Luật Trưng cầu ý dân sẽ được thảo luận, lấy ý kiến đóng góp lần đầu tiên. Dự thảo Luật được xây dựng nhằm phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân, mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp. Việc xây dựng dự thảo Luật Trưng cầu ý dân cũng nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.
|
Các đại biểu thảo luận tại hội trường quốc hội |
Trưng cầu ý dân là phương thức để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước trong từng thời điểm cụ thể. Dự án Luật Trưng cầu ý dân được Quốc hội giao cho Hội Luật gia Việt Nam chủ trì soạn thảo. Hiện nay, dự thảo Luật Trưng cầu ý dân có một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau như: Đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân; phạm vi trưng cầu ý dân; cơ quan, tổ chức phụ trách trưng cầu ý dân; kết quả trưng cầu ý dân và giải quyết khiếu nại về kết quả trưng cầu ý dân. Trưng cầu ý dân là một hình thức quan trọng trong việc thực hiện dân chủ trực tiếp của nhân dân, là hình thức biểu hiện đỉnh cao của nền dân chủ.
Trưng cầu ý dân để phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng Nhà nước pháp quyền
Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân nêu ra 3 nguyên tắc, trong đó đề cao quyền lực của nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội. Đề cao quyền lực của nhân dân, tức là ý chí của nhân dân là cao nhất, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Song, khi đề cao quyền lực nhân dân vẫn chú ý tăng cường sự đồng thuận của xã hội. Ông Nguyễn Văn Pha, đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành viên Ban soạn thảo dự án Luật Trưng cầu ý dân, cho biết: “Theo những quy định của Nhà nước, nhất là ở cơ sở thì khi có những vấn đề liên quan trực tiếp tới đời sống của người dân thì chính quyền cơ sở trước khi triển khai đều công khai hỏi ý kiến người dân. Dự án Luật Trưng cầu ý dân là trưng cầu ý dân trên toàn quốc chứ không phải là trưng cầu ý dân của một địa phương nào đó. Mong muốn của chúng ta là xây dựng một đạo Luật Trưng cầu ý dân là để làm sao phát huy được dân chủ, quyền làm chủ của người dân”.
Những năm qua, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã được phổ biến và thực hiện ngày càng rộng rãi trong cuộc sống, xã hội. Vì vậy, việc xây dựng Luật Trưng cầu ý dân góp phần thiết thực vào việc phản ánh và phát huy giá trị tư tưởng và truyền thống tốt đẹp đó. Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, cho rằng: “Nếu như dự thảo Luật này mà ban hành thì nó sẽ thể hiện đúng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là trọng dân, lấy dân làm gốc và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia xây dựng và quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước”.
Trưng cầu ý dân nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013
Chế định trưng cầu ý dân đã được qui định từ Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam năm 1946, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, chưa được thực hiện trong thực tiễn. Việc Quốc hội lần đầu tiên lấy ý kiến về dự thảo Luật Trưng cầu ý dân sẽ là dấu mốc quan trọng, là bước tiến của luật pháp Việt Nam. Nội dung của dự thảo Luật Trưng cầu ý dân phù hợp với các quy định của Hiến pháp và các luật có liên quan, góp phần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật Nhà nước. Về mặt nguyên lý, trưng cầu ý dân có nhiều ưu thế hơn so với các hình thức dân chủ đại diện, nhưng về mặt thực tiễn, việc thực hiện nó có thể gặp nhiều phức tạp. Do đó, việc vừa làm, vừa tổng kết, rút kinh nghiệm (như những việc gì cần trưng cầu ý dân, những vấn đề gì không nên trưng cầu; cách thức trưng cầu ra sao; nếu không được đa số phiếu tán thành thì xử lý như thế nào...) là rất cần thiết. Bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cho rằng: “Luật trưng cầu ý dân tôi nghĩ có vị trí quan trọng vì nó xuất phát từ Hiến pháp năm 2013, tức là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Nếu chúng ta làm tốt việc trưng cầu ý dân thì chúng ta sẽ tận dụng được tất cả trí tuệ, chất xám và sự đồng thuận cao của nhân dân”.
Hiện nay đã có 167/214 (chiếm khoảng 78%) quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có luật hoặc các quy định pháp lý về trưng cầu ý dân. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng về kinh tế và chính trị với các nước trong khu vực và trên thế giới, việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân là cần thiết. Qua đó, tạo điều kiện để mỗi người dân có thể tham gia dân chủ trực tiếp vào mọi vấn đề quan trọng của đất nước./.