(VOV5) - Các nhà quan sát cho rằng cộng đồng quốc tế cần phải có suy nghĩ một cách nghiêm túc về hướng tháo gỡ cuộc khủng hoảng hạt nhân đã lên mức báo động.
Tên lửa Triều Tiên phóng đi sáng sớm 14/5. (Ảnh: Rodong Sinmun) |
Giữa lúc căng thẳng giữa các bên tại bán đảo Triều Tiên chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, CHDCND Triều Tiên lại vừa tiến hành một vụ phóng tên lửa đạn đạo và đây là lần phóng thứ 7 kể từ đầu năm đến nay. Vấn đề làm đau đầu các nhà tình báo Mỹ và Hàn Quốc cũng như các nhà phân tích chính trị hiện nay là tìm ra câu trả lời cho động cơ thực sự của Bình Nhưỡng đằng sau các vụ phóng tên lửa này, bất chấp các lệnh trừng phạt.
Vụ phóng tên lửa được thực hiện tại khu vực cách thủ đô Bình Nhưỡng khoảng 100km. Tên lửa phóng thử này sau khi bay được khoảng 700km đã rơi xuống khu vực giữa bờ biển phía đông Triều Tiên và Nhật Bản. Đây là lần phóng thử tên lửa lần thứ 7 kể từ đầu năm tới nay và là lần thứ 20 kể từ năm 2012, thời điểm ông Kim Jong-un nhậm chức nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên.
Giải mã các vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên
Ngay sau vụ phóng, Hàn Quốc lập tức phản ứng, gọi đây là hành động nguy hiểm, đe dọa hòa bình trên bán đảo Triều Tiên cũng như toàn thế giới. Mỹ cũng ngay lập tức nhóm họp với các đồng minh trong khu vực để bàn biện pháp đối phó, đưa ra một loạt lệnh trừng phạt mới đối với nước này. Cũng như những lần trước, Mỹ và Hàn Quốc nhanh chóng kêu gọi Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế gây sức ép để CHDCND Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân, tên lửa. Đồng thời, Seoul đặt quân đội trong tình trạng sẵn sàng phòng thủ, quân đội Mỹ với tàu chiến, các tàu khu trục trang bị vũ khí tối tân hiện diện ở khu vực khiến bán đảo Triều Tiên có cảm giác luôn bên bờ vực chiến tranh.
Đến lúc này, dư luận đặt câu hỏi tại sao bất chấp sự đe dọa cũng như gia tăng sức ép từ phía Mỹ, CHDCND Triều Tiên vẫn liên tục thể hiện ý chí của mình thông qua các vụ thử tên lửa. Liệu Bình Nhưỡng muốn mượn hành động phóng thử tên lửa để khẳng định sức mạnh hạt nhân hay còn động cơ nào khác? Có thể thấy, các vụ thử tên lửa luôn diễn ra vào thời điểm quan trọng của khu vực. Vụ thử tên lửa ngày 16/5 vừa qua diễn ra đúng lúc Bắc Kinh đang tổ chức Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường”, nơi tập trung rất nhiều quan chức của các nước tham dự. Hơn nữa, vụ thử được cho là một phép thử cho Tổng thống Hàn Quốc vừa đắc cử Moon Jae-in, người từng thể hiện quan điểm về giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên khác so với người tiền nhiệm. Đặc biệt, vụ phóng tên lửa diễn ra ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi hai lãnh đạo dự kiến thảo luận về việc gia tăng sức ép lên CHDCND Triều Tiên, buộc nước này từ bỏ phát triển vũ khí.
Còn nhớ, hồi đầu tháng này, Trung Quốc, lần đầu tiên sau nhiều năm, đã bày tỏ thái độ công khai đứng về phía Mỹ trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên bằng cách bỏ phiếu thông qua dự thảo nghị quyết trừng phạt CHDCND Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Và Mỹ đang trông chờ Bắc Kinh sử dụng ảnh hưởng của mình để gây sức ép với Bình Nhưỡng. Vì thế, động cơ vụ phóng thử tên lửa mới nhất của CHDCND Triều Tiên, theo các nhà phân tích, có thể dễ dàng giải mã. Thứ nhất, qua vụ phóng tên lửa, CHDCND Triều Tiên ngầm phát đi tín hiệu nước này hoàn toàn không phụ thuộc Trung Quốc, không chấp nhận sự sắp đặt cũng như bố trí liên quan của Bắc Kinh. Thứ hai, cũng thông qua hành động phóng thử tên lửa, Bình Nhưỡng cũng muốn chuyển đi thông điệp dù cho cộng đồng quốc tế có gia tăng áp lực trừng phạt đến đâu, nước này cũng không từ bỏ chủ trương phát triển vũ khí hạt nhân. Và cuối cùng, CHDCND Triều Tiên cũng thông qua việc thử tên lửa để giành thế chủ động trên bàn đàm phán nếu đối thoại 6 bên được tiến hành.
Trừng phạt có phải là giải pháp giúp tháo ngòi nổ căng thẳng?
Rõ ràng, hành động thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên làm tăng căng thẳng ở khu vực, phá vỡ cục diện của tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Nhưng gần 5 năm qua, bán đảo Triều Tiên vẫn chứng kiến vòng lặp đi lặp lại của phóng tên lửa, khiêu khích và trừng phạt. Các đòn trừng phạt, cô lập Bình Nhưỡng không đem lại kết quả cụ thể nào mà chỉ khiến khoét thêm hố sâu ngăn cách giữa các bên, đẩy khu vực vào một chạy đua vũ trang toàn diện.
Đến lúc này, các nhà quan sát cho rằng cộng đồng quốc tế cần phải có suy nghĩ một cách nghiêm túc về hướng tháo gỡ cuộc khủng hoảng hạt nhân đã lên mức báo động. Nếu hướng đi hiện nay của các bên là tiếp tục làm căng và không nhượng bộ, tình hình sẽ khó thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Chừng nào các bên liên quan chưa có thiện chí, nhượng bộ, chưa tìm được tiếng nói chung để cùng ngồi vào bàn đàm phán, chừng đó bán đảo Triều Tiên còn nhiều sóng gió.