Tương lai bất định của quan hệ Anh - Liên minh châu Âu

(VOV5) - Ngày 23/01, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố chính thức về tương lai của quan hệ giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) trong bài phát biểu được dư luận chờ đợi từ lâu, tại London. Theo đó, nước Anh sẽ tổ chức trưng cầu ý dân về việc Anh có tiếp tục là thành viên Liên minh châu Âu hay không nếu đảng Bảo thủ của ông giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Động thái này đã cho thấy mối quan hệ không êm ả giữa Anh và Liên minh châu Âu.


Trong diễn văn đọc tại thủ đô London, Thủ tướng David Cameron cho biết trước hết ông muốn thương lượng lại những điều kiện về tư cách thành viên của Anh trong EU trong bối cảnh sự thất vọng của người dân Anh đối với EU đã lên đến đỉnh điểm. Sau khi đã thương lượng được, người dân sẽ có tiếng nói quyết định về việc Anh có rút khỏi Liên minh châu Âu hay không. Thủ tướng David Cameron cũng nêu rõ nếu đảng của ông giành chiến thắng rõ ràng trong cuộc tổng tuyển cử vào năm 2015 thì cuộc trưng cầu ý dân sẽ được tiến hành vào cuối năm 2017.

 Tương lai bất định của quan hệ Anh - Liên minh châu Âu - ảnh 1
Biếm họa của Paul Lachine . Nguồn: News Art


Có thể thấy, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đang được cho là nguyên nhân chính khiến nước Anh phải xem xét lại mối quan hệ của mình với khối này. Tuyên bố của Thủ tướng Anh Cameron cho thấy tâm lý chán nản của London đối với Liên minh châu Âu. Sự chán nản này đã có từ trước đây khi nước Anh luôn bất đồng với EU về nhiều vấn đề, đặc biệt là ngân sách. Hơn nữa, việc đưa ra tuyên bố vào thời điểm mà ngay bản thân ông David Cameron thừa nhận là không thích hợp đối với cả Anh và châu Âu cho thấy Thủ tướng Anh đang phải chịu sức ép mạnh mẽ từ ngay trong chính đảng của mình về việc đưa ra lập trường cứng rắn hơn với EU cũng như việc ông phải đương đầu với thách thức đang gia tăng từ đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP) theo đường lối bài EU, lực lượng cho rằng ở trong EU khiến Anh mất đi nhiều quyền tự quyết định về ngoại giao và kinh tế.

Về mối quan hệ qua lại, nếu nước Anh ra khỏi EU, Anh sẽ tiết kiệm được khoảng 8 tỷ euro mỗi năm do việc không phải đóng góp vào ngân sách của Liên minh, thoát khỏi chính sách nông nghiệp chung khiến giá thực phẩm của nước này có thể rẻ hơn, đồng thời Anh sẽ không phải lo lắng về thuế giao dịch tài chính và dần dần thoát khỏi các quy định tài chính Châu Âu. Tuy nhiên, Anh cũng sẽ phải chịu thua thiệt không ít. Mối quan hệ giao dịch thương mại với thị trường chiếm một nửa kim ngạch xuất khẩu của nước Anh sẽ xấu đi. Anh sẽ phải đàm phán lại hàng chục thỏa thuận thương mại song phương ở một vị trí yếu thế hơn nhiều so với khi còn là thành viên của EU. Vai trò và vị trí của Anh cũng sẽ giảm đáng kể trên trường quốc tế.

Chính vì vậy, bài phát biểu của ông Cameron ngay lập tức vấp phải phản ứng quyết liệt từ dư luận. Người đứng đầu Công đảng đối lập ở Anh Ed Milliband cho rằng ông Cameron đưa ra quyết định trên là không dựa trên lợi ích kinh tế của đất nước. Trước đó, Phó Thủ tướng Anh Nick Clegg đã cáo buộc ông David Cameron đang đe dọa đến nền kinh tế vì tạo ra tình trạng không rõ ràng về vị trí của Anh trong EU. Ông Clegg còn cho rằng những cuộc tranh luận về tư cách thành viên EU sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm và tăng trưởng của nền kinh tế cũng như thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào quốc đảo sương mù. Tập đoàn Ford và BMW, 2 tập đoàn cung cấp việc làm cho 20.000 nhân công ở Anh, cũng cảnh báo Thủ tướng Anh về sự tê liệt của nền kinh tế nếu London cắt đứt quan hệ với EU. Trong khi đó, cuộc thăm dò dư luận do YouGov thực hiện hôm 17-18/1 cho thấy chỉ còn 34% người được hỏi ủng hộ Anh rời EU, so với con số 50% hồi tháng 11/2012.

Bài phát biểu của Thủ tướng David Cameron cũng khiến nhiều đồng minh của Anh quan ngại. Việc Anh rời khỏi EU có thể gây tổn hại tới mối quan hệ giữa London và Washington cũng như trong chính sách đối ngoại giữa 2 nước. Chủ tịch của Ủy ban các vấn đề EU của Quốc hội Đức khẳng định nếu nước Anh rời EU thì điều đó sẽ đem lại thảm họa cho nền kinh tế của khối. Chủ tịch hội đồng Liên minh châu Âu Herman Van Rompuy thì cảnh báo nếu Anh rời EU có thể đẩy liên minh gồm 27 thành viên này đi đến chỗ sụp đổ. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, ông Laurent Fabius, coi kế hoạch trưng cầu dân ý của Anh là ý tưởng nguy hiểm.

Là nước gia nhập Liên minh châu khá muộn, (chính thức từ năm 1973), vẫn nằm ngoài khu vực tiền tệ chung châu Âu gồm 17 nước thành viên, nay chính phủ Anh lại đưa ra kế hoạch trưng cầu dân ý về việc rút khỏi EU, cho thấy quan hệ giữa 2 bên không khăng khít. Tương lai của quan hệ giữa Anh và EU đang bị bao trùm bởi lớp sương mù do chính bên trong cuộc tạo ra./.

 

 

Phản hồi

Các tin/bài khác