Ưu đãi người có công - công cụ hiệu quả đảm bảo an sinh xã hội

(VOV5) - Những năm qua, nhiều chính sách cụ thể để chăm sóc người có công được ban hành, điều chỉnh phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. 

Chăm sóc, ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, là nguyên tắc được Hiến định, thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Những năm qua, nhiều chính sách cụ thể để chăm sóc người có công được ban hành, điều chỉnh phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Trong năm 2014, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc chăm lo cho người có công để họ có cuộc sống ngày càng tốt hơn như khẳng định của Bộ trưởng Bộ lao động, thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời, hôm qua.

 

Ưu đãi người có công - công cụ hiệu quả đảm bảo an sinh xã hội - ảnh 1
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền

Việt Nam hiện có trên 8 triệu người có công và 1,5 triệu người được hưởng trợ cấp thường xuyên. Hằng năm, Nhà nước đều dành nguồn ngân sách đáng kể cho việc trợ cấp ưu đãi thường xuyên cho người có công. Toàn xã hội cũng huy động nhiều nguồn lực để trợ giúp thể hiện sự chăm lo cho đối tượng này về cả vật chất và tinh thần.

Chế độ ưu đãi được mở rộng, phù hợp với tình hình phát triển của đất nước

  Người có công được Đảng, Nhà nước dành quan tâm, chăm sóc bằng nhiều ưu đãi khác nhau. Họ được hỗ trợ về tài chính thông qua nhiều kênh, trong đó quan trọng nhất là thông qua hình thức trợ cấp, phụ cấp hàng tháng. Mức trợ cấp, phụ cấp được tính theo mức chuẩn căn cứ mức chi tiêu bình quân toàn xã hội và thực hiện theo quy định của Chính phủ.

 Từ tháng 1/2008 đến năm 2013, Chính phủ đã 7 lần điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công, từ 470.000 đồng/tháng (năm 2007) lên 1.220.000 đồng/tháng (cao hơn mức lương tối thiểu chung là 1.150.000 đồng/tháng).

Ưu đãi người có công - công cụ hiệu quả đảm bảo an sinh xã hội - ảnh 2
Người có công với cách mạng đang được quan tâm, chăm sóc bằng nhiều chính sách ưu đãi (Ảnh: Thế Dương)

 Bên cạnh ưu đãi về trợ cấp, phụ cấp, hàng năm nhà nước còn dành hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ về nhà ở, chi trả các khoản ưu đãi về y tế, giáo dục, cho vay phát triển kinh tế, tạo việc làm... đối với người có công với cách mạng và thân nhân của họ. 
Cùng với đó, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công” được phát triển sâu rộng ở tất cả các địa phương. Theo thống kê, 97% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú: Đảng và Nhà nước  đã có rất nhiều cố gắng thực hiện chính sách cho người có công. Chính những chính sách trợ giúp đó đã tạo điều kiện cho đại bộ phận người có công có cuộc sống tốt hơn

Từng bước hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng

Nếu như năm 2012 và 2013 là khoảng thời gian mà chính sách ưu đãi người có công với cách mạng có nhiều thay đổi lớn, trong đó, năm 2013 là năm đầu tiên thực hiện quy định về các chế độ ưu đãi bổ sung đối với người có công, thì năm 2014 - 2015 sẽ tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Đây là cuộc tổng rà soát có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, ước khoảng 4,8 triệu người trong diện rà soát. Công tác này sẽ làm đồng bộ ở 11.000 xã, phường trên cả nước.  Đợt tổng rà soát thể hiện sự quan tâm sát sao của Đảng, Nhà nước nhằm điều chỉnh chính sách đối với người có công hợp lý hơn: “Lần đầu tiên chúng ta làm tổng rà soát, đối tượng rộng, nằm rải rác ở các địa phương. Hơn nữa chiến tranh đã kết thúc từ lâu, chính sách cũng đã được điều chỉnh bổ sung cho từng giai đoạn với mức độ ưu đãi khác nhau. Gần đây, khi điều kiện kinh tế phát triển, mức độ ưu đãi và đối tượng cũng được mở rộng ra. Chính vì vậy, chúng tôi đã phối hợp với Mặt trận tổ quốc huy động các lực lượng của toàn xã hội cùng tham gia, đặc biệt là các tổ chức chính trị xã hội. Đây là một cuộc tổng rà soát có ý nghĩa và đầy trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đối với những người có công nhằm giải quyết kịp thời những trường hợp có công nhưng chưa được hưởng, đồng thời xử lý những trường hợp không đúng.”.  

 Song song với việc triển khai tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, cũng trong năm 2014, Bộ lao động, thương binh và xã hội thực hiện Đề án xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin; phối hợp với Bộ Xây dựng phấn đấu hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở cho hộ gia đình người có công đang ở nhà tạm hoặc nhà bị hư hỏng nặng. Bộ Lao động, thương binh và xã hội cũng quy hoạch, sắp xếp và đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng, chỉnh hình - phục hồi chức năng cho người có công….

 Thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng không những giúp cho hàng triệu người có công có cuộc sống tốt hơn mà còn góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thể hiện rõ nét đạo lý Uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác