(VOV5)- Việt Nam đang ở ngưỡng cửa của các Hiệp định thương mại tự do (FTA), cùng đó là những diễn biến mới của tình hình an ninh khu vực, đã và đang tác động trực tiếp đến môi trường đầu tư Việt Nam. Làm sao để tận dụng cơ hội do các FTA mang lại? Và làm thế nào để tạo niềm tin sản xuất kinh doanh cho các nhà đầu tư trước tác động của bối cảnh mới, là nội dung bàn thảo tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2014 giữa kỳ (VBF 2014), do Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam, Tổ chức tài chính quốc tế và Ngân hàng thế giới đồng tổ chức, diễn ra hôm nay, tại Hà Nội.
Bên cạnh những nội dung căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm như ngân hàng và thị trường vốn, đầu tư và thương mại, cơ sở hạ tầng, lao động việc làm, VBF 2014 tập trung thảo luận những tác động, cơ hội và thách thức của Việt Nam khi tham gia vào các FTA với các đối tác lớn nhất trên thế giới. Và chủ đề VBF 2014 “Từ chương trình tới hành động- Chuẩn bị cho các hiệp định thương mại mới” đã phản ánh đúng tinh thần của Diễn đàn năm nay.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Diễn đàn DN Việt Nam giữa kỳ 2014. (Ảnh: Đăng Thanh)
Nền tảng chính sách nhất quán trong thu hút đầu tư
Việt Nam đã đứng ở ngưỡng cửa của các FTA với các đối tác lớn nhất trên thế giới. Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đi vào giai đoạn nước rút. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Châu Âu EVFTA) dự kiến kết thúc đàm phán vào tháng 10 năm nay. Cộng đồng kinh tế ASEAN đang tiến dần đến mốc 2015. Do vậy, việc chuẩn bị để sẵn sàng đón nhận các cơ hội cũng như vượt qua thách thức từ các FTA được đặt ra ở thời điểm này cấp bách hơn bao giờ hết.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng Chủ tịch Liên minh VBF 2014, một loạt những biện pháp cải cách quan trọng để tạo môi trường đầu tư hấp dẫn cho các nhà doanh nghiệp nước ngoài mà Việt Nam thực hiện thời gian qua Việt Nam chính là nền tảng quan trọng để Việt Nam tiếp tục cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh trong giai đoạn hiện nay: Chúng ta đã thi hành một hệ thống pháp luật không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp ngoài nước khi vào Việt Nam được hưởng những ưu đãi, chính sách như các doanh nghiệp trong nước. Chúng ta cũng khuyến khích sự liên kết giữa các doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp Việt Nam. Các cơ quan bộ, ngành, địa phương luôn coi trọng đầu tư nước ngoài và hỗ trợ tích cực các dự án.
Những giải pháp đột phá
Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tận dụng nhưng lợi thế khi gia nhập sân chơi thương mại toàn cầu, bên cạnh các giải pháp đột phá về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, thể chế, Việt Nam hiện đang có những bước cải cách quan trọng về cải cách thủ tục hành chính, một vấn đề chưa thực sự làm hài lòng các nhà đầu tư.
Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ ban hành tháng 3/2014 được xem là một bước đột phá về cải cách thủ tục hành chính, bao gồm các giải pháp đổi mới nhằm cắt giảm chi phí, thời gian và rủi ro trong hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Theo đó, cụ thể, thời gian cấp giấy phép kinh doanh sẽ xuống còn 6 ngày, nộp thuế xuống 171 ngày, thực hiện thủ tục hải quan (xuất khẩu là 14 ngày, nhập khẩu 13 ngày), tiếp cận hệ thống điện tối đa 70 ngày, thủ tục phá sản rút ngắn 30 tháng đồng thời hoàn thiện các quy định bảo vệ nhà đầu tư, tạo cơ chế về tiếp cận tín dụng.
Rõ ràng, các chỉ số này, giảm từ 1/3-1/4 thời gian so với trước đây, tạo ra cột mốc đo lường các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam, tạo cú hích mạnh mẽ về niềm tin cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
Chủ động tạo nguồn nội lực trong hoạt động sản xuất kinh doanh
Trước tình hình kinh tế-chính trị tiếp tục diễn biến phức tạp từ đầu tháng 5 đến nay, sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư tại Việt Nam cũng đang bị ảnh hưởng không nhỏ. Từ góc độ kinh tế, Việt Nam đang đứng trước những đòi hỏi mới trong việc duy trì quan hệ thương mại ổn định với Trung Quốc, song đồng thời cũng tăng cường các biện pháp hạn chế sự phụ thuộc vào thị trường này.
Gia nhập các FTA, đặc biệt là với phạm vi hội nhập sâu rộng như Hiệp định TPP, những ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giầy, thủy sản, được đánh giá là những ngành có thể mang lại cơ hội lớn cho kinh tế đất nước. Để chủ động trong sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp trong nước cũng đang có những bước đi phù hợp, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng quy mô đầu tư, tự chủ trong việc tìm kiếm nguồn nguyên phụ liệu. Ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cho biết: Ngành dệt may Việt Nam đã chủ động trong việc đầu tư thêm trong việc sản xuất nguyên liệu. Đến giờ phút này, chúng ta có thể chủ động hoàn toàn năng lực sản xuất sợi, đồng thời đang tích cực chuẩn bị cho khu vực dệt kim, dệt thoi để có tỷ trọng nguyên liệu vải cho ngành may tốt hơn. Với tác động hiệu ứng của TPP, chúng tôi hy vọng đến năm 2015 chắc chắn chúng ta sẽ vượt trên 60% tỷ lệ nội địa hóa trong hàng hóa dệt may.
Lợi ích tiềm năng từ các FTA có thể suy giảm nếu như các cam kết thiếu khả thi và các biện pháp bảo đảm thực thi hiệu quả không được đưa ra song hành, nhất là trong bối cảnh các FTA mới mà Việt Nam đang đàm phán có phạm vi sâu rộng hơn. Hiểu rõ những thách thức này, Việt Nam đang nỗ lực cải cách mạnh mẽ hơn nữa để không bỏ lỡ những cơ hội mà hội nhập mang lại. VBF 2014 chắc chắn là kênh đối thoại quan trọng giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà đầu tư, nhằm mục đích xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam./.