Vì sao liên quân chưa diệt được IS?


(VOV5) - Những thành phố trọng yếu, chiến lược ở Iraq và Syria liên tiếp thất thủ trước Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trong những ngày gần đây, bất chấp chiến dịch không kích của liên quân Mỹ - châu Âu – Arab kéo dài nhiều tháng qua. Tình thế này đang đặt ra những thách thức cho Mỹ và phương Tây trong việc xem xét, thay đổi chiến lược chống lại lực lượng này.

Vì sao liên quân chưa diệt được IS? - ảnh 1
Quang cảnh thành phố cổ Palmyra, cách thủ đô Damascus của Syria 215km về phía đông bắc. Ảnh: AFP/TTXVN

 
Chỉ trong 5 ngày, lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng liên tiếp chiếm giữ hai thành phố quan trọng Ramadi của Iraq và Palmyra của Syria. Tại Iraq, với việc chiếm được thành phố Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar lớn nhất Iraq, IS đang tiến đến gần thủ đô Baghdad của Iraq hơn bao giờ hết. Còn tại Syria, không chỉ chiếm được thành phố cổ 2000 năm tuổi Palmyra, hơn 50% tổng diện tích lãnh thổ Syria cũng đã nằm dưới sự kiểm soát của IS trong đó hầu hết là các khu vực nhiều dầu mỏ. Những thất bại nối tiếp này đã “giội gáo nước lạnh” vào nỗ lực của lực lượng liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu trong bối cảnh chiến lược quân sự của liên minh này đang bị chỉ trích nặng nề.

Thất bại của liên quân?

Sau những thất bại liên tiếp, hàng loạt chuyên gia quân sự và nghị sĩ Mỹ chỉ trích chiến lược chống IS của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Nhiều nhà phân tích quân sự cho rằng Mỹ, châu Âu và Arab đang mở một chiến chống IS mà không có sự điều phối cần thiết. Rõ ràng là không hề có dấu hiệu cho thấy IS đang suy yếu. Đáng chú ý là ngay trước khi IS đánh chiếm những thành phố chiến lược tại Iraq và Syria, chính quyền ở Washington, London và các nước Arab vẫn đưa ra những báo cáo lạc quan về tình hình tiêu diệt IS, rằng IS đang bị đẩy lui, ngày một suy yếu vì thiếu nguồn tài chính và vũ khí nghiêm trọng. Nhưng thực tế rõ ràng lại chứng minh điều ngược lại. Không chỉ tại Iraq và Syria, IS còn gia tăng các đòn tấn công ở những nơi khác như Arab Saudi, Yemen.

Chính Washington cũng phải lên tiếng thừa nhận liên quân chống IS đang phải đối mặt với một “bước thụt lùi chiến thuật” dù bác bỏ cáo buộc IS đang chiến thắng. Tổng thống B.Obama khẳng định Mỹ sẽ “không thua cuộc” trong cuộc chiến đấu chống lại tổ chức này và đã đến lúc phải điều chỉnh chiến lược chống IS. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cũng khẳng định việc cung cấp hệ thống tên lửa chống tăng mới cho quân đội Iraq chỉ là phản ứng tạm thời. Các vấn đề liên quan đến chính trị và quân sự lâu dài đều chưa được giải quyết. Thế nhưng, chiến lược mới chống IS cần phải thay đổi như thế nào thì cho đến nay Mỹ và liên quân vẫn chưa đưa ra được lời giải hữu hiệu.

IS đang ngày cách thích nghi, mở rộng vùng chiếm đóng

Đến nay, một câu hỏi lớn đặt ra rằng tại sao IS ngày càng mở rộng vùng chiếm đóng. Không những vậy IS ngày càng tàn độc với việc hành quyết các con tin một cách man rợ như cắt cổ, thiêu sống. Theo một số chuyên gia, IS đã thích nghi hiệu quả để đối phó với các cuộc không kích của liên quân. Để làm được điều đó, những chiến binh IS hiện nay có một số lợi thế so với lực lượng bộ binh của các nước bản địa đó là kinh nghiệm chiến đấu và quá trình đào tạo. Nếu từ 2007 trở về trước, IS xuất hiện với quy mô nhỏ lẻ, việc đào tạo chủ yếu là chế thiết bị nổ để tấn công các lực lượng chính phủ thì từ 3 năm trở lại đây, các bài học của lực lượng IS đã chuyển sang nguy hiểm hơn khi nhằm vào các bài học chiến thuật, chiến lược. Trước đó, IS tổ chức chiến tranh theo kiểu thông thường, dàn quân quy mô lớn với vũ khí hạng nặng nên dễ bị tiêu diệt sinh lực. Nhưng hiện tại, IS đã chuyển sang hoạt động theo lối du kích với nhiều nhóm binh sĩ số lượng ít, dùng vũ khí hạng nhẹ, mặc quần áo thường dân, di chuyển trong đêm, hòa vào cộng đồng dân cư địa phương. Mô hình của IS chuyển sang phi tập trung, các thủ lĩnh vùng miền được gia tăng quyền lực…Nhờ đó, IS dường như ngày càng phát triển. Việc IS có thể hoạt động ổn định, kéo dài bất chấp các cuộc không kích của Mỹ và đồng minh thời gian qua được lý giải là vì dòng tiền khổng lồ thu được từ các giếng dầu ở miền Đông Syria mà chúng chiếm được vào cuối năm 2012. Bên cạnh đó, tài chính của IS còn được bổ sung bằng việc buôn lậu các cổ vật cướp được khi chiếm đóng các khu vực.

Cần một chiến lược toàn diện

Trước những diễn biến hiện nay, việc hoạch định một chiến lược toàn diện lâu dài chống IS là vô cùng cấp bách. Trước đây, đã có nhiều ý kiến cho rằng nếu Mỹ và liên quân chỉ có không kích thì không bao giờ có thể xóa sổ được IS, có chăng chỉ là gây thiệt hại về cơ sở hạ tầng và buộc lực lượng IS phải lẩn tránh sâu hơn. Yếu tố để chiến thắng IS chỉ có thể là bộ binh. Tuy nhiên, cả Mỹ và NATO hiện tại đều từ chối đưa quân tham chiến mà chỉ tập trung huấn luyện binh sĩ từ các nước trong khu vực. Cách tiếp cận của Washington trong cuộc chiến với IS  hiện nay là kết hợp giữa tái huấn luyện, xây dựng lại quân đội Iraq và dội bom các mục tiêu IS mà không cần dùng đến bộ binh. Thế nhưng, mức độ tinh nhuệ của các lực lượng vũ trang này lại đang là điều đáng bàn. Việc để mất Ramadi vào tay IS đã phơi bày điểm yếu của quân đội Iraq khi lực lượng này từ lâu đã bị suy yếu từ bên trong bởi vấn nạn tham nhũng, chế độ gia đình trị và quan trọng nhất năng lực lãnh đạo yếu kém của chính phủ.

Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc Mỹ phải đưa ra những chiến lược mới. Nhìn vào thực tế, IS vẫn mạnh mẽ sau khi hứng chịu hơn 4.000 cuộc không kích của Mỹ và liên quân trong 9 tháng ở Iraq và Syria. Có cần thêm các cuộc không kích? Hay phải mở cuộc chiến trên bộ? Hiện tại, câu trả lời đang chờ đợi được giải đáp tại cuộc họp của liên minh chống IS đã được lên lịch vào ngày 2/6 tới tại Paris, Pháp./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác