Việt Nam coi trọng và mong muốn cùng Thụy Sỹ mở ra giai đoạn hợp tác mới

(VOV5) - Trong hợp tác kinh tế, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thụy Sỹ năm 2020 và các năm 2016-2018 duy trì ở mức dưới 1 tỷ USD.

Nhận lời mời của Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Guy Parmelin và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Liên bang Thụy Sĩ và Liên bang Nga từ ngày 25/11 đến ngày 2/12/2021. Chuyến thăm là sự kiện quan trọng nhằm củng cố quan hệ song phương, đặt nền móng cho những lĩnh vực hợp tác mới giữa Việt Nam với Thụy Sỹ và Liên bang Nga. 

Việt Nam coi trọng và mong muốn cùng Thụy Sỹ mở ra giai đoạn hợp tác mới    - ảnh 1Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: vtc.vn.

Thụy Sỹ là điểm đến đầu tiên của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến công du lần này. Chuyến thăm đặc biệt ý nghĩa trong bối cảnh tròn 50 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (11/10/1971 - 11/10/2021) và 30 năm Hợp tác phát triển.

50 năm dày công vun đắp quan hệ truyền thống

Thụy Sỹ là một trong số các quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam trong thời điểm Việt Nam hết sức khó khăn, vừa tiến hành kháng chiến thống nhất đất nước ở miền Nam, vừa tập trung xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Trên thực tế, mối quan hệ song phương đã hình thành từ trước đó, dần được vun đắp theo thời gian cùng nhiều sự kiện quan trọng mà nổi bật là việc Thụy Sỹ chứng nhân cho Hiệp định Geneva lịch sử, được ký kết ngày 20/7/1954 công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Nửa thế kỷ qua, mối quan hệ song phương đó đã có những bước tiến đáng kể trên tất cả các lĩnh vực. Hợp tác ban đầu giữa 2 nước tập trung chủ yếu vào viện trợ nhân đạo và hỗ trợ phát triển. Trong 3 thập kỷ qua, Chính phủ Thụy Sỹ đã cung cấp hơn 600 triệu USD để hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Tháng 3/2021, Thụy Sỹ đã công bố Chương trình hợp tác phát triển Thụy Sỹ - Việt Nam 2021 - 2024 với số vốn ODA là 70 triệu CHF, theo đó Việt Nam tiếp tục là một trong số ít nước nằm trong danh sách đối tác ưu tiên hợp tác.

Những năm qua, hai bên tiến hành hơn 30 chuyến thăm trao đổi cấp cao. Mới đây nhất là chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy sỹ Ignazio Cassis (tháng 8/2021). Và nay là chuyến thăm chính thức tới Thụy Sỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Chia sẻ khó khăn và ủng hộ các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong ứng phó với đợt bùng phát đại dịch COVID-19, vừa qua Thụy Sỹ đã viện trợ cho Việt Nam 13 tấn trang thiết bị y tế. Một số doanh nghiệp Thụy Sĩ cũng quyên góp ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19 do Đại sứ quán Việt Nam tại Bern phát động.

Việt Nam coi trọng và mong muốn cùng Thụy Sỹ mở ra giai đoạn hợp tác mới    - ảnh 2Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang. Ảnh: Nguyễn Hồng

Trong hợp tác kinh tế, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thụy Sỹ năm 2020 và các năm 2016-2018 duy trì ở mức dưới 1 tỷ USD. Hơn 100 công ty Thụy Sĩ gồm các tên tuổi hàng đầu thế giới như Nestle, ABB, Novartis, Roche, Zuellig Pharma, Holcim, Schindler... đã kinh doanh thành công tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD, đưa Thụy Sĩ trở thành nhà đầu tư châu Âu lớn thứ 6 tại Việt Nam. Đánh giá về quan hệ song phương nhân Ngày Việt Nam tại Thụy Sỹ (tháng 10/2021), Thứ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam Đặng Hoàng Giang cho rằng: “Mối quan hệ hữu nghị lâu dài và sống động đó là nền tảng vững chắc để Chính phủ và nhân dân hai nước không ngừng xây đắp, phát triển, đạt được những kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Trong hợp tác phát triển, Thụy Sỹ đã duy trì hợp tác phát triển cho Việt Nam trong suốt 30 năm qua. Các dự án cả song phương và đa phương đã đóng góp hiệu quả cho các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam”.

Quan hệ song phương sẽ tiếp tục mở rộng và đi vào chiều sâu

Có thể nói thành tựu lớn nhất mà Việt Nam và Thụy Sỹ đã đạt được trong nửa thế kỷ qua chính là sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực, sự chia sẻ những giá trị chung của toàn cầu và đặc biệt là sự gắn kết giữa nhân dân hai nước.

Với tính chất bổ sung của hai nền kinh tế và động lực chính trị mạnh mẽ hiện nay, quan hệ hợp tác của Việt Nam-Thụy Sĩ sẽ tiếp tục mở rộng và đi vào chiều sâu, hiện thực hóa tiềm năng to lớn trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, chăm sóc sức khỏe. Việc sớm ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) mà Thụy Sỹ là một trong những thành viên sáng lập, sẽ tạo động lực lớn cho quan hệ kinh tế và thương mại song phương. Chia sẻ nhân sự kiện Ngày Việt Nam tại Thụy Sỹ, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Ivo Sieber tin tưởng: “Tôi vững tin vào tương lai 2 nước nhờ nền tảng vững chắc của mối quan hệ giữa Thụy Sỹ và Việt Nam. Chúng ta có sự hợp tác rộng rãi trong nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, nghiên cứu. Tôi nghĩ rằng đây là những lĩnh vực mà chúng ta tiếp tục tăng cường hợp tác. Cả 2 nước đang đàm phán hiệp định thương mại tự do và chúng tôi tin tưởng rằng quá trình đàm phán có thể sớm kết thúc, mở ra nhiều cơ hội thương mại, đặt nền tảng kinh tế vững mạnh hơn nữa. Sau khi mở cửa trở lại, chúng ta phát triển hơn nữa về du lịch, giao lưu trao đổi giữa doanh nhân, chính trị và các nhà nghiên cứu. Điều này sẽ mở ra cơ hội để tăng cường hợp tác trong tương lai”.

Những thành tựu mà Việt Nam và Thụy Sỹ đã đạt được trong nửa thế kỷ qua đã cho thấy tiềm năng của quan hệ hợp tác Việt Nam – Thụy Sỹ. Chuyến thăm chính thức liên bang Thụy Sỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lần này sẽ góp phẩn củng cố thêm tình hữu nghị, khẳng định cam kết tiếp tục hợp tác, tạo cơ sở cho quan hệ song phương mở rộng và tăng cường trong tương lai.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác