(VOV5) - Báo cáo Phát triển con người năm 2013 do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) công bố mới đây xếp Việt Nam trong số hơn 40 quốc gia đang phát triển đạt được những tiến bộ hơn cả mong đợi về phát triển con người trong những thập kỷ gần đây. Những đánh giá này thêm một lần nữa khẳng định những thành tựu về phát triển con người của Việt Nam mà cộng đồng quốc tế đã thừa nhận trong nhiều năm qua.
Trong hơn 40 quốc gia đang phát triển được UNDP nhắc tới, Việt Nam được đánh giá là nước đạt những tiến bộ hơn cả về phát triển con người. Theo UNDP, chỉ số phát triển con người của Việt Nam đã tăng 41% trong hai thập kỷ qua. UNDP cho rằng những kết quả này có được là nhờ các cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam về cải cách hệ thống giáo dục và y tế công cộng, các chương trình xóa đói giảm nghèo có tính đột phá và sự tham gia mang tính chiến lược vào nền kinh tế thế giới.
|
Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam, phát biểu tại Lễ công bố báo cáo. (Ảnh: Khắc Kiên) |
Những nhận định của UNDP hoàn toàn sát thực. Từ trước đến nay, Việt Nam luôn đặt con người ở vị trí trung tâm và coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của quá trình phát triển. Trong gần 3 thập niên thực hiện công cuộc đổi mới, chủ trương này đã được cụ thể hóa thành các chương trình, chính sách và chiến lược phát triển quốc gia với những kết quả quan trọng. Đời sống và vật chất của người dân không ngừng được nâng cao thể hiện qua sự cải thiện thu nhập bình quân theo đầu người cũng như nhiều chỉ số phát triển con người quan trọng về tuổi thọ, giáo dục-đào tạo, văn hóa-xã hội… Đặc biệt, vấn đề bình đẳng giới đã đạt được những thành tựu cơ bản. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc Hội, đánh giá:Kết quả thực hiện bình đẳng giới của Việt Nam được xếp hạng cao hơn so với nhiều quốc gia có cùng trình độ phát triển và thu nhập. Việt Nam cũng được công nhận là quốc gia xoá bỏ khoảng cách giới trong vòng 20 năm qua ở khu vực Đông Nam Á. Với những chính sách của Đảng, Nhà nước và nỗ lực của bản thân, phụ nữ Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong mọi lĩnh vực như: quản lý nhà nước, sản xuất kinh doanh, đối ngoại, khoa học công nghệ và xây dựng gia đình tiến bộ.
|
Việt Nam đã là quốc gia hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, đặc biệt là các mục tiêu về xóa đói giảm nghèo, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường sức khỏe bà mẹ và giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi. Bên cạnh đó, Việt Nam rất coi trọng việc tham gia các điều ước quốc tế về quyền con người nhằm thể hiện cam kết cũng như quyết tâm của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền con người và phát triển con người. Cho đến nay, Việt Nam là thành viên của 5 công ước quốc tế của Liên hiệp quốc về quyền con người, các công ước của tổ chức lao động quốc tế, nhiều thoả thuận cũng như các hiệp định song phương nhằm thúc đẩy, bảo vệ quyền con người và phát triển con người. Việt Nam cũng đã ký công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật và đang nghiên cứu để tham gia các điều ước khác trong tương lai. Ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam, nói rõ hơn về lộ trình này:Năm 2009 và năm 2010 là giai đoạn đáng ghi nhớ của Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác quốc tế về quyền con người, đặc biệt với các cơ chế quốc tế và các cơ quan khác ở khu vực về quyền con người. Trong năm 2009, Việt Nam đã bảo vệ thành công báo cáo quốc gia về tình hình thực hiện quyền con người theo cơ chế kiểm điểm định kỳ của Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao đối với những thành tựu trong công cuộc đổi mới của nhân dân Việt Nam và cam kết rõ ràng của nhà nước Việt Nam đối với việc thực hiện và thúc đẩy quyền con người và sự phát triển của con người
Giai đoạn từ nay đến năm 2020 là hết sức quan trọng đối với việc hoàn thành các Mục tiêu Phát triển của Việt Nam để Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Phát triển con người có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc hoàn thành các mục tiêu phát triển đất nước và được Việt Nam coi là một trong ba khâu “đột phá” của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam giai đoạn 2011-2020”. Với chủ trương tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế triển khai các chương trình, sáng kiến về phát triển bền vững, trong đó phát triển con người là một trong những ưu tiên. Chính phủ Việt Nam cũng khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác tích cực với UNDP cũng như các tổ chức thuộc hệ thống Liên hợp quốc để phát triển con người, nhất là việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ./.