(VOV5) - Trong 6 tháng đầu năm 2021, tình hình chính trị - an ninh, kinh tế - xã hội thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là những tác động kéo dài của đại dịch COVID-19.
Trong bối cảnh đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) tiếp tục thể hiện và phát huy vai trò là cơ quan quan trọng hàng đầu có trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế với chương trình nghị sự rộng và phong phú. Trên cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, trong đó có 1 tháng làm Chủ tịch HĐBA lần thứ 2, Việt Nam đã chủ động và tích cực tham gia vào công việc chung để đóng góp thực chất, hiệu quả vào công việc của HĐBA.
Phiên họp của Hội đồng Bảo an ngày 13/1/2020. Ảnh minh họa: TTXVN |
Từ đầu năm đến nay sự cạnh tranh giữa các nước lớn vẫn tiếp diễn, các xung đột kéo dài, căng thẳng ở Trung Đông, Bắc Phi, châu Á như xung đột Israel-Palestine, bất ổn ở Libya, Yemen, Sudan, Ethiopia, Afghanistan, chính biến ở Myanmar. Cùng với đó là các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, khủng bố, tội phạm xuyên biên giới, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước…, đặc biệt là tác động kéo dài của đại dịch COVID-19. Qua đó, các nước càng thấy rõ hơn nhu cầu duy trì hòa bình, an ninh, tăng cường hợp tác quốc tế, hành động đa phương nhằm ứng phó với các thách thức này.
Trong bối cảnh đó, HĐBA LHQ tiếp tục thể hiện và phát huy vai trò là cơ chế quan trọng hàng đầu có trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. HĐBA LHQ đã thông qua 63 văn kiện các loại, thảo luận về tình hình ở tất cả các châu lục cùng nhiều vấn đề nóng trên toàn cầu…
Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang. Ảnh: Bộ Ngoại giao |
Việt Nam chủ động và tích cực tham gia vào công việc chung
Trên cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đã phát huy hiệu quả vai trò, chủ động và tích cực tham gia vào công việc chung. Nổi bật là việc Việt Nam đã đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an lần thứ 2 (tháng 4/2021). Theo Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang, đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐBA LHQ, điều phối, điều hòa quan điểm khác nhau của các nhóm nước, đặc biệt là các nước lớn luôn là thách thức với bất kỳ Chủ tịch nào và Việt Nam cũng không là ngoại lệ.
Tuy nhiên, với lập trường và nguyên tắc nhất quán của đường lối đối ngoại, Việt Nam đạt được thành công trong việc đề xuất, thúc đẩy các ưu tiên và sáng kiến trong tháng Chủ tịch này: "Là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, của Liên Hợp Quốc và của ASEAN, từ kinh nghiệm của một nước yêu chuộng hòa bình, hiểu rõ giá trị của hòa bình và những mất mát, đau thương do chiến tranh, xung đột gây ra, Việt Nam ủng hộ sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa giữa LHQ và các tổ chức khu vực trong việc ngăn ngừa và giải quyết xung đột. Biện pháp ngăn ngừa xung đột hiệu quả nhất chính là tôn trọng Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, nhất là các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, quan hệ giữa các quốc gia cần dựa trên xây dựng lòng tin, giải quyết bất đồng thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực. Hòa bình và phát triển luôn song hành với nhau và vì vậy ngoài việc giải quyết các vấn đề an ninh, thì cần có cách tiếp cận tổng thể, ưu tiên quan tâm đến các vấn đề phát triển bền vững của mọi quốc gia, mọi khu vực."
Quan điểm, lập trường đó của Việt Nam nhận được sự đồng thuận của các quốc gia thành viên. Trong suốt tháng Chủ tịch, tất cả vấn đề Việt Nam đưa ra đều được HĐBA xem xét giải quyết, thông qua 10 văn kiện với tỷ lệ tuyệt đối 15/15 phiếu.
Phát huy các thành công đã đạt được
Tiếp nối thành quả tham gia HĐBA LHQ 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, đóng góp vào công việc chung của HĐBA nói riêng và của LHQ nói chung. Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực cùng các nước tìm giải pháp để duy trì môi trường hòa bình, an ninh quốc tế. Đây là mục tiêu chung và xuyên suốt. Trong quá trình đó, điều quan trọng nhất là làm sao cố gắng để HĐBA có sự đoàn kết, đồng thuận.
Ông Đỗ Hùng Việt, Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế Bộ Ngoại giao, khẳng định: "Việt Nam xác định sẽ nỗ lực hết mình tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong thực hiện vai trò này nhằm bảo đảm tính khách quan, minh bạch, sự linh hoạt trong xử lý những điểm khác biệt có thể có giữa các nước thành viên, bảo đảm Hội đồng Bảo an có tiếng nói thống nhất, đoàn kết, đồng thuận trong việc xử lý các thách thức chung đang đặt ra hiện nay."
Thời gian tới, Việt Nam tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin và dự báo sớm các vấn đề quốc tế, khu vực có thể nảy sinh phức tạp. Qua đó, hướng tới việc hoàn thành thành công cả nhiệm kỳ HĐBA 2020-2021, thể hiện những đóng góp trách nhiệm hiệu quả của Việt Nam vào công việc chung của cộng đồng quốc tế, nâng cao uy tín, vị thế đất nước và thúc đẩy hợp tác với các nước, đối tác theo tinh thần phương châm “Tăng cường quan hệ đối tác vì một nền hòa bình bền vững”.