(VOV5) - Các nước cũng trao đổi kinh nghiệm, thực tiễn tốt và kết quả nghiên cứu nhằm đẩy mạnh chia sẻ kiến thức về kinh tế biển bền vững thành công.
Hội nghị quốc tế về Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu vừa diễn ra tại Hà Nội do Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Na Uy và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tổ chức. Những kết quả đạt được tại Hội nghị sẽ là căn cứ để Việt Nam hợp tác và triển khai các hành động thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời đưa ra nhiều cam kết quan trọng, khẳng định nỗ lực của một quốc gia thành viên đóng góp giải quyết các thách thức toàn cầu.
Toàn cảnh Hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: VGP |
Với chủ đề “Giải pháp cho một nền kinh tế biển bền vững và có khả năng chống chịu” hội nghị thảo luận các cơ hội chính trong thúc đẩy, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển cũng như các thách thức chính của khủng hoảng COVID-19, biến đổi khí hậu và ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương; xác định cơ hội thúc đẩy hành động bảo vệ các hệ sinh thái biển với mục tiêu phục hồi kinh tế biển và phát triển kinh tế, nâng cao khả năng chống chịu của các cộng đồng và quốc gia dễ bị tổn thương.
Các nước cũng trao đổi kinh nghiệm, thực tiễn tốt và kết quả nghiên cứu nhằm đẩy mạnh chia sẻ kiến thức về kinh tế biển bền vững thành công, các chiến lược và hành động thích ứng với biến đổi khí hậu. Với Việt Nam, Hội nghị là diễn đàn huy động hợp tác quốc tế thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế biển Việt Nam.
Phát triển kinh tế đại dương bền vững: Chìa khóa dẫn tới thịnh vượng
Là một quốc gia hứng chịu nhiều thiên tai nhất và những rủi ro thiên tai đang ngày càng gia tăng cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Việt Nam luôn nhận thức rõ các thách thức phải đối mặt và luôn đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng quốc tế nhằm một nền kinh tế đại dương xanh, bền vững.
Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Lê Văn Thành phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: qdnd.vn
|
Vì vậy, tại Hội nghị lần này, Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế đưa ra 5 cam kết: Đó là, kiến tạo chính sách, môi trường pháp lý quốc tế cho một nền kinh tế biển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt với các nước và các bên liên quan dễ bị tổn thương; Thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu toàn diện do Liên Hợp Quốc quản lý về tác động đa chiều của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, rác thải nhựa nhằm hỗ trợ xây dựng chính sách ứng phó toàn cầu; Giải quyết các thách thức và rủi ro an ninh liên quan đến biến đổi khí hậu thông qua thúc đẩy, xây dựng cơ chế hợp tác an ninh toàn cầu và khu vực thiết thực, hiệu quả; Tăng cường khả năng phục hồi phát triển kinh tế biển bền vững sau COVID-19 và khả năng thích ứng của các quốc gia, cộng đồng và những bên liên quan dễ bị tổn thương; Khuyến khích đầu tư, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ biển, nâng cao nhận thức về kinh tế biển bền vững, sự tham gia rộng rãi của các bên trong xây dựng quyết định và chính sách về kinh tế biển bền vững. Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Lê Văn Thành tại Hội nghị một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong ứng phó với các thách thức trên biển: Quản lý bền vững tài nguyên và các hoạt động trên biển như nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, vận tải biển, du lịch biển, ven biển, phát triển năng lượng dựa vào đại dương phải dựa trên cơ sở công nghệ kỹ thuật biển xanh, tiên tiến và hiện đại, nhất là sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau của cộng đồng quốc tế. Các quốc gia phát triển cần có trách nhiệm hỗ trợ tài chính, kinh nghiệm quản lý và chuyển giao công nghệ. Các quốc gia đang phát triển cần phấn đấu sớm nắm vững khoa học kỹ thuật biển xanh và tiếp cận quản lý để chúng ta cùng nhau tiến ra biển với một tâm thế bình đẳng, cùng nhau giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu của biển và đại dương.
Kiên quyết hành động vì một đại dương xanh
Theo thống kê, Việt Nam có hơn 70 triệu người (khoảng 72% tổng dân số) sống ở 28 tỉnh, thành phố ven biển của cả nước, ĐBSCL và đồng bằng sông Hồng. 83% sản lượng gạo trong nước cũng tập trung ở các tỉnh đồng bằng và ven biển thấp. Đây cũng là khu vực phát triển năng động của cả nước. Tuy nhiên, hiện nhiều thành phố và đồng bằng ven biển đang bị sụt lún ở tốc độ đôi khi còn cao hơn nhiều tốc độ mực nước biển dâng do các nguyên nhân tự nhiên và con người, và cơ sở hạ tầng đô thị đang gặp áp lực lớn. Các rủi ro an ninh liên quan đến khí hậu cũng là một vấn đề đáng quan ngại mới quan trọng. Biến đổi khí hậu đã làm trầm trọng hơn và tạo ra các rủi ro an ninh toàn cầu. Chính trong bối cảnh đó, Việt Nam đã chọn phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững, có sự liên kết chặt chẽ với cộng đồng quốc tế. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Lê Minh Ngân: Việt Nam luôn thể hiện trách nhiệm của một thành viên tích cực trong Cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẵn sàng hợp tác cùng các quốc gia và các đối tác chia sẻ tri thức khoa học, kinh nghiệm, nguồn lực và các sáng kiến quản lý tổng hợp vì một nền kinh tế biển xanh bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Việt Nam hiểu rõ giá trị của phát triển kinh tế đại dương bền vững, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu để vừa bảo đảm phúc lợi tốt hơn cho mọi người dân, vừa làm tròn nghĩa vụ bảo vệ biển và đại dương cùng cộng đồng quốc tế cho các thế hệ mai sau. Việt Nam sẽ nỗ lực hợp tác cùng các quốc gia trong việc giải quyết và ứng phó với các thách thức toàn cầu vì một biển xanh, trong lành và một nền kinh tế bền vững. Những kết quả quan trọng tại Hội nghị sẽ góp phần tăng cường kết nối, thúc đẩy mạnh mẽ sự hợp tác giữa các quốc gia, khu vực để cùng chung tay, góp sức bảo vệ đại dương, bảo vệ tương lai của toàn nhân loại.