(VOV5) - Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) dự kiến được ký kết và thực thi vào năm 2018. Hiện nay, 2 bên đang tích cực tháo gỡ những vướng mắc để tiến trình này diễn ra đúng kế hoạch, tạo thuận lợi thúc đẩy trao đổi thương mại song phương.
Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU)chính thức kết thúc đàm phán về Hiệp định thương mại tự do năm 2015. Theo quy định của Liên minh châu Âu (EU), quá trình xem xét các hiệp định thương mại quốc tế như EVFTA trải qua hai giai đoạn.
Giai đoạn 1, Ủy ban thương mại quốc tế của EU sẽ rà soát toàn diện hiệp định nhằm đảm bảo thông tin, tình trạng pháp lý đầy đủ. Giai đoạn hai, Ủy ban thương mại quốc tế sẽ trình lên Nghị viện châu Âu để thông qua.
Nếu đạt được sự đồng thuận đa số ở Nghị viện châu Âu thì EVFTA được thông qua vào mùa hè 2018. Vì vậy, việc thông qua hay không đòi hỏi nỗ lực từ hai phía.
Đại sứ Bruno Angelet (thứ 2 từ phải sang) tại cuộc họp báo. Ảnh: ven.vn |
Những bước tiến cơ bản
Kể từ khi 2 bên chính thức kết thúc đàm phán về EVFTA đến nay, Việt Nam và EU tiến hành nhiều phiên thảo luận song phương để tìm cách tháo gỡ những vướng mắc, tạo thuận lợi cho việc ký kết văn kiện này. Hiện còn 3 vấn đề Việt Nam cần giải quyết. Đó là phê chuẩn 3 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về đảm bảo môi trường lao động bình đẳng, đảm bảo lợi ích công bằng cho người lao động. Tiếp đó là vấn đề môi trường trong phát triển kinh tế. Cuối cùng là tạo cơ hội cho các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ, các nhóm tư vấn trong việc tham vấn cho các chính phủ trong quá trình thực thi EVFTA. Hai bên đang tích cực thảo luận để tìm ra biện pháp giải quyết hiệu quả nhất 3 vấn đề trên.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. |
Trong khi đó, trong chuyến công tác mới nhất tại Liên minh châu Âu, ngày 1- 2/12 của Bộ trưởng Bộ công thương Trần Tuấn Anh, hai bên nhất trí tiếp tục các nỗ lực để sớm đạt được thống nhất về những điểm còn tồn tại của hiệp định. Theo đó, Việt Nam và EU thống nhất cơ cấu Hiệp định chia tách 2 phần thương mại, đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp với mong muốn thúc đẩy việc phê chuẩn sớm các nội dung về thương mại theo lộ trình đã đề ra theo thẩm quyền và cơ chế pháp lý của EU. Với phương án này, Việt Nam có cơ hội ký kết và thực thi EVFTA về phần thương mại sớm hơn trong những năm 2018, 2019. Các nội dung liên quan đến đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp sẽ được tiếp tục hoàn tất và tiến hành các thủ tục phê chuẩn trong những năm tiếp theo.
Đánh giá tích cực từ phía các thành viên EU
Những cố gắng của Chính phủ Việt Nam để sớm ký kết EVFTA được giới chức EU ghi nhận. Đại sứ, Trưởng phái đoàn của Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, Bruno Angelet đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã tích cực chỉ đạo các Bộ, ngành trong Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-EU chuẩn bị các bước cần thiết để triển khai các thoả thuận của Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) trong năm 2018. Bà Marie-Christine Poncin, chuyên viên cao cấp của Văn phòng chính sách thương mại và chiến lược thuộc Tổng vụ Ngân khố, Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp, nhận định Việt Nam đang thực thi một chính sách ngoại giao kinh tế tích cực và Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA) là một bước tiến nữa của Việt Nam trong việc hội nhập kinh tế toàn diện vào khu vực và trên thế giới: “Trong Hiệp định EU-Việt Nam có hiện diện cách tiếp cận mới của Liên minh châu Âu về việc bảo hộ đầu tư. Đó chỉ là một dấu hiệu cho thấy tham vọng của Hiệp định này bởi nếu so sánh với các Hiệp định khác mà châu Âu ký với Hàn Quốc thì cách tiếp cận này không có, hay so với Hiệp định với châu Âu- Singapore thì Hiệp định ký với Việt Nam cũng nhiều tham vọng hơn.”
Ông Jean Francois Di Meglio, Chủ tịch Quỹ Nghiên cứu châu Á, một trong những Quỹ nghiên cứu độc lập (think-tank) uy tín tại Pháp, cũng khẳng định Hiệp định sẽ được thực thi đúng như mong muốn của các bên và hoàn toàn minh bạch: “Việt Nam đang thay đổi rất nhanh và chúng tôi tin chắc Việt Nam sẽ còn tiếp tục tiến bộ hơn nữa nhờ Hiệp định này để mở cửa mạnh hơn ra thế giới. Vì thế tôi hy vọng Hiệp định sẽ nhanh chóng được ký kết.”
Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng, việc ký và phê chuẩn EVFTA có ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy tiến trình tự do hoá thương mại. Hiệp định sẽ mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho cả Việt Nam, EU và các nước thành viên EU, tạo tiền đề gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa EU với khu vực Đông Nam Á và Châu Á Thái Bình Dương. Việc Việt Nam và EU đang nỗ lực tháo gỡ một số vướng mắc còn tồn tại sẽ góp phần để Hiệp định sớm được ký kết và phê chuẩn.