(VOV5) - UNESCO đang hiện thực hóa các sáng kiến và xây dựng hình ảnh Hà Nội “Thành phố sáng tạo” của thế kỷ 21 với tầm nhìn hướng về tương lai
Từ năm 1976, Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO). Đến năm 1977, Việt Nam đã thành lập Ủy ban Quốc gia UNESCO để thúc đẩy hợp tác với tổ chức này. 44 năm qua, Việt Nam luôn nỗ lực cùng UNESCO và các quốc gia thành viên giải quyết và đưa ra các giải pháp cho nhiều vấn đề toàn cầu liên quan đến hòa bình, phát triển, bảo vệ các giá trị văn hóa, đoàn kết và hợp tác giữa các quốc gia.
Quang cảnh buổi Tọa đàm cấp cao “Tham vấn về sáng kiến: Hà Nội - Thành phố sáng tạo” do TP Hà Nội phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức ngày 2/10 tại Hà Nội - Ảnh: dangcongsan.vn
|
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) là một trong số những tổ chức chuyên môn quan trọng hàng đầu của Liên hợp quốc. UNESCO đã xác định mục đích cao cả của Tổ chức là thông qua hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn hóa để đạt được các mục tiêu hòa bình quốc tế và thịnh vượng chung của nhân loại. Thông qua các hoạt động hợp tác của mình, UNESCO đã thúc đẩy nền văn hóa hòa bình dựa trên nền tảng khoan dung, trí tuệ và tôn trọng đa dạng, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia trên các lĩnh vực chuyên môn thuộc thẩm quyền.
Kể từ khi gia nhập, Việt Nam luôn đánh giá cao vai trò của Tổ chức UNESCO, ủng hộ mạnh mẽ và tích cực đóng góp cho các hoạt động hợp tác của Tổ chức.
Việt Nam, thành viên có trách nhiệm của UNESCO
Hơn 44 năm kể từ khi gia nhập, Việt Nam đã luôn cho thấy là một thành viên có trách nhiệm của UNESCO, với mục tiêu xây dựng hình ảnh của một đất nước Việt Nam mới, đậm đà bản sắc văn hóa, năng động và không ngừng vươn lên. Theo khẳng định của Trưởng đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam, ông Michael Croft, tự bản thân Việt Nam đã đại diện cho những giá trị của UNESCO là đoàn kết, khoan dung, đa dạng và hài hòa.
Ông Michael Croft - Trưởng đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam
|
Ông Michael Croft cho biết: "Năm 1976 khi mới gia nhập UNESCO, Việt Nam vừa thoát khỏi chiến tranh và giành được độc lập. Các bạn đã giành chiến thắng và đó là chiến thắng của văn hóa hòa bình. Tự bản thân Việt Nam đã đại diện cho những giá trị của UNESCO là đoàn kết, khoan dung, đa dạng và hài hòa. Đây là những giá trị nền tảng tạo nên bản sắc Việt Nam. Những nỗ lực thúc đẩy hòa bình cũng được thể hiện rất rõ khi Hà Nội trở thành thành phố đầu tiên của châu Á - Thái Bình Dương vinh dự được trao tặng danh hiệu Thành phố vì hòa bình năm 1999".
Việt Nam là một quốc gia có kho tàng di sản thiên nhiên, văn hóa phong phú. Đến nay Việt Nam đã có 24 di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản thiên nhiên được UNESCO vinh danh là di sản thế giới. Việc bảo vệ, phát huy giá trị các di sản thế giới luôn được Việt Nam đặc biệt coi trọng. Trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, việc vừa bảo tồn các di sản vừa đảm bảo phát triển văn hóa hiện đại là nhiệm vụ của mỗi quốc gia thành viên trong đó có Việt Nam.
Ông Michael Croft khẳng định: "Tôi nghĩ Việt Nam là một trong những nước có đóng góp tích cực và ủng hộ cho những nỗ lực bảo vệ di sản văn hóa. Đến thời điểm hiện nay, Việt Nam không chỉ có nhiều di sản văn hóa truyền thống mà còn nhiều văn hóa đương đại. Tôi nghĩ cùng với việc bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa truyền thống, đã đến lúc phải phục hưng văn hóa trong thời đại mới. Tôi nghĩ đây cũng là định hướng mà UNESCO tiếp tục hợp tác và đồng hành cùng Việt Nam trong thời gian tới, phát huy các giá trị truyền thống được hun đúc từ hơn nghìn năm qua, đổi mới, sáng tạo để bắt kịp xu thế phát triển của thời đại- kỷ nguyên văn minh trí tuệ và toàn cầu hóa".
Hợp tác UNESCO-Việt Nam trong giai đoạn mới
Kỹ thuật số đang đặt ra cả những thách thức và cơ hội cho các hoạt động của UNECSO, đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu về sự thay đổi. Trong chiến lược quốc gia giai đoạn 2020-2021, UNESCO đang đặt những ưu tiên cho việc hợp tác với Việt Nam.
Hiện, UNESCO đang hiện thực hóa các sáng kiến và xây dựng hình ảnh Hà Nội “Thành phố sáng tạo” của thế kỷ 21 với tầm nhìn hướng về tương lai, phản ánh khát vọng quốc gia trở thành một thành viên năng động, sáng tạo, tích cực. Năm 2020, Việt Nam đảm nhiệm nhiều trọng trách quan trọng. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam cũng đã và đang tạo nên dấu ấn riêng biệt trong việc triển khai các sáng kiến, chương trình hợp tác, cũng như đóng góp thiết thực vào công việc của UNESCO. ASEAN cũng đã tổ chức nhiều hội nghị như phát triển du lịch bền vững, nguồn lực con người trong cách mạng 4.0, đẩy mạnh hợp tác đối tác nghị viện trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục vì sự phát triển bền vững của cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á... Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã giúp kết nối các nước thành viên ASEAN tiếp tục triển khai chương trình nghị sự của UNESCO trong khuôn khổ ASEAN. Tất cả những điều này đã góp phần thể hiện rõ vai trò của Việt Nam, thúc đẩy hợp tác Việt Nam-UNESCO nói riêng và ASEAN-UNESCO nói chung trong giai đoạn mới.