(VOV5) -Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam. Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Những ngày qua, việc nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông, thu hút sự quan tâm lớn của dư luận quốc tế. Không chỉ vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982,hành động của Trung Quốc còn đe dọa trực tiếp tới hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Trong bối cảnh đó, là thành viên có trách nhiệm của LHQ, Việt Nam luôn nhất quán với chủ trương giải quyết tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình.
Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam. Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Đoàn công tác Vùng 2 Hải quân ra thăm, động viên các chiến sĩ Hải quân làm nhiệm vụ tại nhà giàn DK1/12 - cột mốc chủ quyền trên thềm lục địa Việt Nam. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN |
Hành động của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế
Theo Điều 56 của UNCLOS 1982, trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, các quốc gia ven biển, trong các quyền, có quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật ở đó. Trong vùng đặc quyền kinh tế, quốc gia ven biển cũng có quyền chủ quyền đối với các hoạt động khác như sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió. Bởi vậy, mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam phải tuân thủ các quy định có liên quan của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, pháp luật Việt Nam và nếu không được phép của Việt Nam đều là xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Vậy mà, bất chấp luật pháp quốc tế, Trung Quốc đã hết sức phi lý khi đòi hỏi Việt Nam phải ngừng công việc thăm dò các mỏ dầu ở khu vực biển thuộc hoàn toàn chủ quyền của Việt Nam. Ông Noah Zaring, Tham tán chính trị, ĐSQ Hoa Kỳ tại Việt Nam, cho rằng: "Rõ ràng, hành động của Trung Quốc là cố tình sử dụng sức mạnh để phục vụ cho mục đích của mình. Trung Quốc làm bất ổn tình hình, sử dụng vũ lực để bắt nạt các quốc gia khác phải tuân theo. Tôi cho rằng Trung Quốc cần có sự hợp tác, tôn trọng luật pháp quốc tế để không làm tổn hại tới chủ quyền và niềm tin của các quốc gia khác trong khu vực."
Việc cố tình quy kết Việt Nam tiến hành các hoạt động khoan thăm dò dầu khí “một cách đơn phương” tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đưa vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam trở thành vùng biển có tranh chấp, áp đặt cách hành xử theo kiểu “quyền lực thuộc kẻ mạnh”, thực hiện mưu đồ độc chiếm biển Đông.
Bà Umnova Irina Anatolyevna, Trưởng ban nghiên cứu Hiến pháp - pháp luật của Đại học Tư pháp thuộc Toà án tối cao Liên bang Nga, khẳng định: "Hành động của phía Trung Quốc hoàn toàn trái ngược với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, đi ngược lại nỗ lực bảo vệ hòa bình, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình của các nước Đông Nam Á. Hành động đó không được phép tái diễn trong tương lai. Việt Nam cần kiên trì nêu quan điểm của mình về giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình, nhấn mạnh chủ trương phản đối sử dụng vũ lực".
Tôn trọng luật pháp quốc tế, kiên quyết bảo vệ chủ quyền
Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc là hết sức quan trọng. Chủ trương nhất quán của Việt Nam là giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn ở Biển Đông với chủ trương hòa bình, với tinh thần đối tác, vì trách nhiệm cộng đồng, trên cơ sở luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực.
Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam. Trên thực địa, các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai các biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam.
Nhấn mạnh đến các công cụ giải quyết tranh chấp hòa bình, Giáo sư, TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, cho rằng: "Trong một thế giới toàn cầu hóa và trong thế giới phụ thuộc lẫn nhau như ngày nay thì một quốc gia, cho dù lớn, cũng không thể tách mình ra khỏi xu hướng của quốc tế. VN cũng không phải ngoại lệ, nhất là trong công cuộc bảo vệ chủ quyền đất nước, Việt Nam phải tranh thủ tiếng nói của cộng đồng quốc tế, phải sử dụng nền ngoại giao của mình để đạt được mục đích giải quyết hòa bình các mâu thuẫn. Ngoại giao được coi là công cụ sắc bén để thế giới hiểu về Việt Nam, chia sẻ những giá trị và quan điểm của Việt Nam đó là giải quyết tranh chấp bằng hòa bình, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực. Đấy là những nguyên tắc bất di bất dịch và đây là thời điểm mà chúng ta cần phải sử dụng công cụ ngoại giao trong vấn đề bảo vệ chủ quyền đất nước."
Cách tiếp cận đúng hướng của Việt Nam đã tạo uy tín, sức mạnh mềm cho Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Việc Việt Nam tuân thủ luật pháp quốc tế, đề cao sự minh bạch trong tiến trình giải quyết các tranh chấp, luôn giữ thái độ hợp tác khi xuất hiện những mâu thuẫn, đã và đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, trực tiếp đóng góp vào việc tạo dựng một khu vực hòa bình, ổn định, thúc đẩy hòa bình và phát triển trên thế giới.