(VOV5) - Mô hình kinh tế của Việt Nam thời kỳ sau Đổi Mới (1986) đã rất thành công trong việc tạo ra mức tăng trưởng cao, trong khi vẫn giúp phần lớn người dân thoát nghèo và có cuộc sống khá giả hơn. Tuy nhiên ngày nay, sự gia tăng bất bình đẳng trong xã hội đang là vấn đề quan tâm của chính quyền các cấp.
|
(Ảnh minh hoạ: KT) |
Thu nhập bình quân của người Việt Nam trong vài thập niên trở lại đây tăng đáng kể, từ 100 USD năm 1990 lên mức 2.300 USD năm 2015. Hơn 30 triệu người vượt chuẩn nghèo, tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 5-6%/năm. Đảng, Nhà nước và Chính phủ có nhiều chính sách an sinh xã hội tích cực nhưng khoảng cách chênh lệch giàu nghèo vẫn có dấu hiệu gia tăng.
Giảm bất bình đẳng từ chính sách đến thực hiện
Việc giải quyết bất bình đẳng là trách nhiệm của Nhà nước để tiến tới một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Việc giải quyết bất bình đẳng thể hiện ở thể chế, chính sách, giải pháp và thực thi. Ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh văn phòng Quốc Gia về Giảm nghèo (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), nêu ý kiến: Trong tất cả các chính sách, Đảng, Quốc hội đến Chính phủ cũng đang hết sức cố gắng để giải quyết bất bình đẳng bằng cơ chế, chính sách, giải pháp, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, chính sách cho người nghèo. Sự cố gắng đang theo hướng phát huy được vai trò của chính đối tượng thụ hưởng, phát huy được nội lực của cộng đồng. Chúng ta thường nói đến các vấn đề dân tộc thiểu số, tiếng nói người dân tộc, bản sắc văn hóa dân tộc…Đó là chúng ta đang trao quyền cho họ, giúp đỡ để họ tự khẳng định mình. Tôi cho rằng khi chúng ta có niềm tin và tạo cho họ niềm tin thì cuộc sống của họ sẽ tốt hơn, thu hẹp được khoảng cách và đảm bảo bình đẳng kể cả vị thế và tiếng nói.
|
Các diễn giả tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Gia Hưng) |
Trong khi đó, thời gian qua, các Bộ, ngành địa phương tích cực giảm bất bình đẳng trong xã hội thông qua nhiều dự án giảm nghèo. Kết quả của Dự án Hỗ trợ giảm nghèo giai đoạn 2012-2015 do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Đại sứ quán Ai Len tại Việt Nam hỗ trợ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Ủy ban Dân tộc triển khai tại 8 địa phương (Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Kon Tum và Trà Vinh) là ví dụ. Tại 8 địa phương, Dự án tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là người nghèo; nhân rộng các mô hình sáng tạo, phát huy vai trò cộng đồng, tự lực của người dân khi triển khai các hoạt động giảm nghèo. Ông Phạm Trường Thọ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, đánh giá:Chúng tôi đã tạo được mô hình sinh kế cho người nghèo. Cái mới ở đây là chúng tôi phát huy được tính chủ động, sáng tạo, tự chủ từ chính quyền cơ sở và nhóm hộ nghèo. Qua triển khai, người dân đã đồng tình thực hiện mô hình này rất tốt.
Cải cách đồng bộ để giảm bất bình đẳng
Bà Babeth Ngọc Hân Lefur, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, cho rằng mô hình kinh tế của Việt Nam thời kỳ sau Đổi Mới đã rất thành công trong việc tạo ra mức tăng trưởng cao, trong khi vẫn giúp phần lớn người dân Việt Nam thoát nghèo và có cuộc sống khá giả hơn. Tuy nhiên, để giảm thiểu khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng hiện nay, Việt Nam cần thực hiện các chính sách tiến bộ về quản trị nhà nước, hệ thống thuế, chi tiêu công, dịch vụ công, quyền của người lao động và sự tham gia của người dân. Điều này có nghĩa là cần phải có các chính sách hướng đến việc thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, chứ không chỉ là các dự án giảm nghèo. Về vấn đề này, Vụ trưởng, Chánh văn phòng Quốc Gia về Giảm nghèo Ngô Trường Thi cho rằng: Đảng, Quốc hội và Chính phủ đang tập trung để thực hiện để cải cách về thể chế, làm sao đảm bảo minh bạch, công khai, hiệu quả trong các chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách về an sinh xã hội. Trước mắt chúng ta nên thực hiện hiệu quả những chính sách đang có và theo hướng phải trao quyền, đẩy mạnh phân cấp và tăng cường sự tham gia.
Mặc dù Việt Nam đã có nhiều chính sách để đảm bảo an sinh xã hội nhưng phần thụ hưởng của những nhóm dân yếu thế từ thành quả của phát triển kinh tế vẫn ít hơn nhiều so với phần thụ hưởng của một thiểu số có ưu thế và được ưu đãi. Vì vậy với những nỗ lực đang tiến hành, thay đổi cách nhìn nhận về giảm bất bình đẳng trong xã hội, Việt Nam đang từng bước để người dân được hưởng thụ xứng đáng thành quả phát triển của đất nước.