(VOV5) - Việt Nam là một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom mìn lớn nhất và chịu hậu quả nặng nề nhất trên thế giới. Cả nước đã có 40 nghìn người chết và hơn 60 nghìn người khác bị thương do bom mìn gây ra từ sau năm 1975 đến nay. Việt Nam đã và đang triển khai nhiều hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn và hỗ trợ nạn nhân bom mìn.
|
Tổ chức MAG (Tổ chức nhân đạo phi chính phủ có trụ sở tại Vương quốc Anh) phối hợp thực hiện rà phá bom mìn tại xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN |
Theo kết quả của Dự án “Điều tra, lập bản đồ ô nhiễm bom mìn trên phạm vi toàn quốc”, tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn, vật nổ khoảng 6,8 triệu ha, chiếm hơn 20% tổng diện tích Việt Nam. Số bom mìn chưa nổ hiện còn nằm rải rác trên hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó tập trung nhiều nhất tại các tỉnh miền Trung. Hiện trạng ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam còn rất nặng nề. Ước tính từ năm 1975 đến nay, bom mìn còn sót lại sau chiến tranh làm hơn 40 nghìn người chết và trên 60 nghìn người bị thương.
Đẩy mạnh công tác rà phá, xử lý và hỗ trợ nạn nhân bom mìn
Mỗi năm Việt Nam vẫn dành hơn một ngàn tỷ đồng cho việc rà phá bom mìn và hàng trăm tỷ đồng cho cứu chữa, trợ giúp, phục hồi chức năng, đào tạo nghề, tái định cư cho nạn nhân bom mìn. Việt Nam đã tổ chức dò tìm, thu gom, xử lý hàng trăm triệu tấn bom mìn, giải phóng hàng trăm ngàn ha đất, tạo môi trường an toàn cho nhân dân, giảm thiểu tai nạn do bom mìn, vật nổ. Trong đó, từ năm 2010 đến nay, mỗi năm Việt Nam rà phá được từ 30 nghìn đến 50 nghìn hecta đất bị ô nhiễm bom mìn. Tuy nhiên, việc khắc phục hậu quả bom mìn và hỗ trợ nạn nhân còn nhiều khó khăn. Ông Nghiêm Đình Thiện, Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn, Binh chủng Công binh, cho biết: "Rà phá bom mìn trong khu dân cư còn gặp nhiều khó khăn, bởi phải có kế hoạch, có tiềm lực kinh tế ở các khu vực thì mới có thể bắt đầu rà soát và lên kế hoạch dò tìm ở những khu vực ấy. Ngoài ra còn hai vấn đề: Thứ nhất là chủ quan, người dân do mưu sinh cuộc sống mà chưa hiểu hết sự nguy hiểm khi đục đẽo, cưa cắt các loại bom mìn, vật nổ để lấy thuốc nổ và lấy vỏ để bán. Thứ hai là cũng có thể người dân không biết cũng cưa cắt vật nổ gây thương vong và người dân trong cuộc sống đi làm đồng cuốc phải, giẫm phải cũng gây nổ".
Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN
|
Để giúp các nạn nhân bom mìn vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, trong những năm qua Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chú trọng đến việc đẩy mạnh công tác lồng ghép chính sách trợ giúp nạn nhân bom mìn vào chính sách chung đối với người khuyết tật như: Bộ luật Lao động; Luật về Người khuyết tật; Quyết định số 1019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020. Đồng thời, Chính phủ cũng có những chính sách hỗ trợ cải thiện chất lượng cuộc sống của nạn nhân bom mìn; tạo điều kiện cho nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng, ổn định và tự vươn lên trong cuộc sống và được tiếp cận các dịch vụ phục hồi chức năng.Ông Tô Đức, Phó cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội Việt Nam, cho biết: "Bộ Lao động, Thương binh và xã hội phối hợp với các bộ ngành và địa phương phát triển hệ thống dịch vụ đối với người khuyết tật nói chung và nạn nhân bom mìn, trong đó phát triển hệ thống phục hồi chức năng cho nạn nhân bom mìn dựa vào cộng đồng. Trong giai đoạn tới, chúng tôi tiếp tục rà soát lại cơ chế, chính sách trợ giúp cho nạn nhân bom mìn, đảm bảo nạn nhân được hỗ trợ kịp thời và toàn diện. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tăng cường năng lực cho địa phương trong việc chỉ đạo điều hành và thực hiện quy trình trợ giúp cho nạn nhân bom mìn theo quy trình thống nhất và chuyên nghiệp".
Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế chung ta khắc phục hậu quả bom mìn
Để làm sạch hết bom mìn con sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam, ước tính cần kinh phí trên 10 tỷ USD với thời gian kéo dài hơn 100 năm, chưa kể hàng tỷ USD cần thiết cho việc tái định cư, đảm bảo an sinh xã hội ở vùng ô nhiễm bom mìn. Cùng với sự nỗ lực bằng các nguồn vốn trong nước, thời gian qua, rất nhiều tổ chức quốc tế đã hỗ trợ Việt Nam về công tác trợ giúp cho nạn nhân bom mìn. Từ sự hợp tác hiệu quả này, Việt Nam đã triển khai những mô hình điểm, cung cấp những kiến thức, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật và đào tạo cho đội ngũ nhân viên công tác xã hội theo các quy trình, tiêu chuẩn tiếp cận theo yêu cầu quốc tế và phù hợp với điều kiện Việt Nam. Về vấn đề này, ông Tô Đức, Phó cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội Việt Nam, cho biết: "Trên cơ sở phối hợp với các đối tác quốc tế, Việt Nam từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách trợ giúp, rồi phát triển hệ thống dịch vụ và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trong công tác phòng tránh bom mìn. Những việc này Việt Nam thực hiện trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các đối tác quốc tế. Từ sự hợp tác này, các đối tác có những khuyến nghị với Việt Nam trong việc tham gia phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền người khuyết tật. Đây thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam đối với những cam kết quốc tế nói chung cũng như đối với người khuyết tật nói riêng".
Hiện Bộ Lao động, Thương binh và xã hội Việt Nam đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội. Một trong các mục tiêu là sẽ xây dựng hệ thống dữ liệu về các đối tượng bảo trợ xã hội và cả nhóm người khuyết tật, trong đó có người khuyết tật do bom mìn gây nên. Bên cạnh đó, Bộ cũng phối hợp với Hội hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam, tổ chức Quỹ Cựu chiến binh Mỹ và các tổ chức quốc tế từng bước triển khai thí điểm xây dựng hệ thống dữ liệu về nạn nhân bom mìn, nhằm nâng cao hơn nữa công tác chăm sóc cho nạn nhân bom mìn tại Việt Nam.