(VOV5) - Trong hệ thống các giá trị mà nhân loại đã tạo ra, quyền con người có vị trí quan trọng, vừa là mục tiêu, động lực, vừa là điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các giá trị còn lại.
Tôn trọng và thúc đẩy việc bảo đảm quyền con người đã trở thành xu thế tất yếu mang tính toàn cầu, theo đó, giáo dục quyền con người (giáo dục nhân quyền) cũng trở thành yêu cầu bức thiết, mang tính thời đại. Như mọi quốc gia khác, giáo dục quyền con người có vai trò quan trọng trong chiến lược con người của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Đưa nội dung quyền con người vào trường học. Ảnh minh họa: VOV |
Giáo dục quyền con người là hoạt động có định hướng, có tổ chức, có mục đích của chủ thể giáo dục tác động lên đối tượng giáo dục nhằm hình thành ở họ tri thức về quyền con người để biết tự mình bảo vệ quyền của mình và tôn trọng quyền của người khác phù hợp với các yêu cầu, đòi hỏi của các chuẩn mực trong pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia về quyền con người. Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948 đặt nền móng cho hoạt động giáo dục quyền con người trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Thực trạng giáo dục quyền con người ở Việt Nam
Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực giáo dục quyền con người, quyền công dân; đặc biệt là việc giáo dục quyền trẻ em theo nội dung Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em (CRC), giáo dục quyền phụ nữ theo nội dung công ước của Liên hợp quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ. Theo đó, Đảng, Nhà nước đã đề ra chủ trương, chính sách và có sự quan tâm chỉ đạo thực hiện hoạt động giáo dục quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo trong các hoạt động giáo dục quyền trẻ em, quyền phụ nữ. Sự quan tâm chỉ đạo này của Đảng, Nhà nước thể hiện cụ thể trong việc thành lập các cơ quan chuyên trách nhà nước về nghiên cứu quyền con người, các cơ quan chuyên trách về quyền phụ nữ, quyền trẻ em; đào tạo đội ngũ cốt cán về vấn đề này; chỉ đạo xây dựng các chương trình hành động quốc gia về quyền phụ nữ, quyền trẻ em. Những kết quả đạt được trong việc giáo dục quyền phụ nữ, quyền trẻ em ở Việt Nam đã mang đến cách nhìn mới của thế giới và khu vực đối với Việt Nam, từ đó tạo ra khả năng thuận lợi hơn cho Việt Nam trong hội nhập khu vực và quốc tế.
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng (giữa) chủ trì hội nghị toàn quốc về triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng với sự tham gia của các cơ quan trong ban điều hành Đề án, thường trực UBND 63 tỉnh, thành trong cả nước. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Hoạt động giáo dục quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam trong thời gian qua đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức về giá trị của hoạt động này trong việc hình thành nhân cách người Việt Nam trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, và sự cần thiết phải tăng cường các hoạt động này trong thời gian tới. Đồng thời, việc giáo dục quyền con người, quyền công dân cũng làm tăng nhu cầu xây dựng hệ thống pháp luật Việt Nam phù hợp với các quy định của công ước quốc tế về quyền con người
Thúc đẩy giáo dục quyền con người ở Việt Nam
Để thúc đẩy giáo dục quyền con người, Việt Nam hướng tới việc biên soạn giáo trình, sách và tài liệu giáo dục về nhân quyền cho từng nhóm đối tượng cụ thể, đảm bảo gắn kết nội dung giáo dục quyền con người với nội dung giáo dục quyền công dân.
Việt Nam cũng hướng tới đưa chương trình giáo dục quyền con người, quyền công dân vào hệ thống giáo dục nhà nước từ cấp tiểu học đến cấp trung học phổ thông và hệ đại học.
Việt Nam cũng đưa môn học quyền con người vào một số trường đại học, đặc biệt là các bậc hệ đào tạo chuyên và không chuyên luật. Đối với hệ đào tạo cán bộ, quản lý, Việt Nam tiếp tục cung cấp quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam về quyền con người, cung cấp phương pháp luận; các quan điểm khác nhau về nhân quyền trong lịch sử và đương đại; các chuẩn mực nhân quyền quốc tế trong sự đối chiếu, so sánh rất cụ thể với các quy định pháp luật của Nhà nước Việt Nam.
Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948 đặt nền móng cho hoạt động giáo dục quyền con người trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam cũng hướng tới xây dựng các hình thức, phương pháp giáo dục riêng, thích hợp với điều kiện, khả năng của từng đối tượng giúp việc truyền tải nội dung giáo dục về quyền con người sinh động, phù hợp, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng ngay vào thực tiễn cuộc sống. Cùng với đó là xây dựng đội ngũ cốt cán, giáo viên chuyên trách về quyền con người ở tất cả các cấp, các hệ thống trường học trong hệ thống giáo dục nhà nước. Để hỗ trợ cho các hình thức, phương pháp giáo dục, Việt Nam tăng cường đầu tư, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền, thông tin về quyền con người, quyền công dân trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Giáo dục quyền con người ở Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo thế hệ trẻ; đối với sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đây cũng là cơ sở để quần chúng nhân dân hình thành nhận thức đúng đắn về quyền con người, củng cố niềm tin của quần chúng đối với Đảng, Nhà nước; chống lại những hoạt động lợi dụng chiêu bài "nhân quyền" của một số nước phương Tây và các thế lực phản động, thù địch chống phá công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.