Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu

(VOV5) - Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi vấn đề biến đổi khí hậu. Chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu quốc gia đang nỗ lực kêu gọi sự hỗ trợ dài hạn và mạnh mẽ của các nhà tài trợ quốc tế cho công tác quản lý tài nguyên môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.


Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị Hội nghị cấp cao về phối hợp hỗ trợ phát triển tổng hợp Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: VGP

Những năm gần đây, biến đổi khí hậu luôn là vấn đề nóng không chỉ ở Việt Nam mà rất nhiều quốc gia trên thế giới. Những thiệt hại về người và của do biến đổi khí hậu gây ra buộc chính phủ các nước phải có những chính sách tiên phong về vấn đề này. Tại Việt Nam, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho các vùng của Việt Nam đến 2050 và xây dựng Kế hoạch hành động Quốc gia. Các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam có sự tham gia mạnh mẽ của các nhà tài trợ và các quốc gia có thế mạnh trong lĩnh vực này.

Hà Lan, quốc gia có nhiều hợp tác với Việt Nam để ứng phó với biến đổi khí hậu

Hà Lan và Việt Nam đã thiết lập Thỏa thuận đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước. Kể từ khi Thỏa thuận được ký kết trong chuyến thăm Hà Lan năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho đến nay, hai bên đã tích cực triển khai thực hiện Thỏa thuận, trong đó đã thành lập Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Hà Lan và thống nhất triển khai nghiên cứu trên 8 nhóm vấn đề về quản lý nước như: đánh giá tài nguyên nước, nước cho lương thực, hạ tầng ngành nước…Cuộc họp lần thứ I của Ủy ban đã được tổ chức tháng 3/2011 dưới sự đồng chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Thái tử Vương quốc Hà Lan Willem Alexander. Hai bên đã thảo luận các vấn đề hợp tác tăng cường năng lực quản lý nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ các hệ sinh thái nông nghiệp liên quan tại Việt Nam. Đặc biệt còn có việc hợp tác triển khai Kế hoạch châu thổ sông Cửu Long, nâng cao năng lực trong quy hoạch và phát triển đô thị, nông thôn, kiểm soát lũ lụt, cấp nước, xử lý nước thải và xây dựng các thể chế quản lý tài chính liên quan. Trên cơ sở các nội dung được đề cập, các cuộc họp phân ban Việt Nam – Hà Lan sau đó đã  thảo luận, xác định các nhiệm vụ cần tập trung thực hiện như thành lập các Ban điều phối liên ngành, các nhóm công tác, thúc đẩy việc phối hợp với phía Hà Lan xây dựng Kế hoạch châu thổ sông Cửu Long, các dự án hợp tác trong các lĩnh vực biến đổi khí hậu, quản lý nước, quản lý đất, nước biển dâng…Trong một diễn biến mới nhất, ngày 17/6/2014 tại Hà Nội, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đồng chủ trì Hội nghị cấp cao về phối hợp hỗ trợ phát triển tổng hợp Đồng bằng sông Cửu Long, triển khai thêm một bước cụ thể nhằm hiện thực hóa Thỏa thuận đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu giữa hai quốc gia. Cùng với việc hợp tác ở cấp quốc gia, nhiều địa phương của Việt Nam cũng có những hoạt động hợp tác cụ thể, thúc đẩy ứng phó với biến đổi khí hậu với các địa phương của Hà Lan.

Hợp tác quốc tế để quản lý tài nguyên, môi trường, trồng từng ngập mặn

Để ứng phó tốt với tình trạng biến đổi khí hậu, Việt Nam còn tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý tài nguyên nước, dự báo khí tượng thủy văn và quản lý đất đai. Hiện, Bộ Tài Nguyên và Môi trường Việt Nam đang chủ trì 58 chương trình, dự án hỗ trợ của nước ngoài cho ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, với tổng kinh phí cam kết gần 430 triệu USD.  Trong năm 2013, Bộ Tài nguyên - Môi trường phối hợp với các bộ, ngành và một số địa phương triển khai dự án phục hồi rừng ngập mặn để ứng phó với biến đổi khí hậu. Cũng trong năm này, Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu đã chi khoản kinh phí gần 250 tỷ đồng cho hoạt động trồng rừng ngập mặn. Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cũng đã dự thảo kế hoạch phục hồi rừng ngập mặn trong cả nước đến năm 2015, với tổng kinh phí lên tới 1.900 tỷ đồng. Với sự hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu của Chính phủ Đan Mạch, nhiều địa phương của Việt Nam đã triển khai các mô hình thí điểm về xây dựng một số tuyến đê biển đi đôi với việc trồng mới, phục hồi hàng trăm hécta rừng ngập mặn; xây dựng nhà đa năng phục vụ người dân ở những vùng thường xuyên bị thiên tai và công trình cấp nước ngọt ở những nơi có mức độ nhiễm mặn cao...

Trong  Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã đề ra 4 mục tiêu, trong đó có mục tiêu hợp tác với cộng đồng quốc tế để ứng phó với biến đổi khí hậu. Cùng với việc tăng cường hợp tác với các quốc gia, Việt Nam đã và sẽ tiếp tục hợp tác với Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Văn phòng Liên Hợp Quốc và nhiều tổ chức quốc tế khác để thực hiện các mục tiêu trong chiến lược của mình./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác