(VOV5) - Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á năm nay có chủ đề "Thúc đẩy sự tăng trưởng vì tiến bộ đồng đều", tập trung thảo luận các chủ đề chính: tăng trưởng vì tiến bộ đồng đều, hướng tới phát triển bền vững và kết nối khu vực.
Cùng với khoảng 450 đại biểu là các nguyên thủ quốc gia, các chính khách, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn, các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội trong và ngoài khu vực, hôm nay, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tham dự Diễn đàn kinh tế Đông Á (WEF Đông Á) 2014, tổ chức tại Philippines. Là một trong những diễn đàn uy tín tổ chức hàng năm, WEF Đông Á là dịp để Việt Nam tiếp tục phối hợp với các nước trong khu vực thúc đẩy các sáng kiến, khuôn khổ hợp tác, nhằm góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Diễn đàn kinh tế thế giới, cũng như thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và các thành viên WEF.
|
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phải đối diện với một số thách thức, đặc biệt là tốc độ phục hồi kinh tế còn thiếu bền vững và cân bằng, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển tăng trưởng chậm lại so với trước khủng hoảng, dự kiến đạt 4,9 % năm 2014 và 5,3 % năm 2015, Đông Á đang được xem là đầu tầu phục hồi kinh tế thế giới. Do vậy, Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á năm nay có chủ đề "Thúc đẩy sự tăng trưởng vì tiến bộ đồng đều", tập trung thảo luận các chủ đề chính: tăng trưởng vì tiến bộ đồng đều, hướng tới phát triển bền vững và kết nối khu vực.
Vai trò của kinh tế Đông Á trong nền kinh tế thế giới
Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội, khu vực Đông Á đóng vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế thế giới, thể hiện ở tính quy mô và tính năng động của khu vực này. Xét về quy mô, tổng sản lượng của kinh tế khu vực Đông Á chiếm 30% sản lượng kinh tế thế giới, trong đó có nhiều nền kinh tế lớn nhất trên toàn cầu hiện nay như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Ngoài ra còn có các nền kinh tế năng động khác như Đài Loan, Hongkong, Singapore. Còn xét về quy mô thương mại thì Đông Á cũng chiếm khoảng 30% tổng thương mại toàn cầu: Rõ ràng trong thời gian dài, không phải chỉ trong giai đoạn khủng hoảng gần đây, Đông Á gồm cả Đông Bắc Á và Đông Nam Á đều là những khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và liên tục trong thời gian dài. Và đây cũng là những khu vực có khả năng phục hồi nhanh sau khủng hoảng và tăng trưởng trở lại. Do vậy, đây là điểm sáng của kinh tế thế giới và đang thu hút dòng vốn chảy vào rất mạnh.
Tuy nhiên, một trong những thách thức của Đông Á hiện nay là các nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu. Thực tế, những tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, bắt đầu từ Mỹ, Tây Âu những năm qua, đã ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế các nước trong khu vực. Do vậy, Đông Á, hơn bao giờ hết đang đẩy mạnh xem xét lại mô hình phát triển kinh tế của mình. Bên cạnh đón nhận nguồn vốn đầu tư lớn từ các quốc gia trên thế giới, các nước Đông Á đang có những định hướng rõ rang như tái cơ cấu sau khủng hoảng, mở rộng thị trường trong nước, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tạo dựng cơ hội trong quá trình hội nhập
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang dần phục hồi, các nhà đầu tư sẽ tìm kiếm những thị trường ổn định và có tiềm năng phát triển để mở rộng đầu tư, Đông Á vẫn đang nổi lên là khu vực nhiều tiềm năng, thu hút đầu tư mạnh mẽ.
|
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành |
Tận dụng cơ hội này, Việt Nam cũng đang hội nhập mạnh mẽ vào khu vực, nỗ lực cùng ASEAN xây dựng thành công một cộng đồng kinh tế chung vào năm 2015. Thông qua các cơ chế hợp tác của ASEAN cũng như WEF Đông Á Việt Nam tích cực quảng bá hình ảnh về một đất nước đang hội nhập toàn diện và phát triển năng động, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam mở rộng cơ hội giao thương. Cùng với đó Việt Nam cũng đang dần hình thành các doanh nghiệp đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập. Hiện tại, Việt Nam có 13 tập đoàn, Tổng công ty lớn là thành viên của WEF, trong đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn FPT, Tập đoàn VinGroup và VinaCapital…Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành cho rằng: Việt Nam có vị trí thuận lợi trong kết nối ASEAN và Đông Bắc Á. Khi hội nhập, rào cản thương mại và đầu tư, giao dịch của con người giảm xuống, cho phép kết nối những nơi xa nhau dễ và sự tập trung tăng lên rất nhanh. Sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp cần tính chuyên biệt. Nếu ta đi vào các ngành cũ rồi thiết lập mạng lưới sản xuất thì khó mà Việt Nam cần có các sản phẩm là lợi thế của mình.
Tích cực đóng góp vào thành công của diễn đàn kinh tế Đông Á
Những năm gần đây, Việt Nam tích cực tham gia WEF Đông Á, coi đây là một cơ chế hợp tác quan trọng trong quá trình thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế. Năm 2010, đã tổ chức thành công WEF Đông Á tại Thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề “Vai trò đang lên của Châu Á trong phát triển toàn cầu”. Năm 2012 - 2013, Thủ tướng Chính phủ tham dự WEF Đông Á tại Thái Lan và Myanmar. Tại các kỳ của Diễn đàn này, Việt Nam luôn khẳng định tích cực hợp tác chặt chẽ và thúc đẩy sáng kiến đổi mới kinh tế, hội nhập và liên kết khu vực, ứng phó với các thách thức phát triển. Theo định hướng đó, sự hiện diện của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại WEF Đông Á 2014 diễn ra tại Philippines lần này một lần nữa khẳng định chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam, nâng cao vai trò, vị thế và hình ảnh của Việt Nam trong khu vực./.