(VOV5) - Hôm nay (12/12), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bắt đầu tham dự các hoạt động đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Các nữ chủ tịch quốc hội thế giới lần thứ 11, tổ chức tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Đây là cơ hội để Việt Nam cùng các nữ Chủ tịch Quốc hội khác trên thế giới cùng chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về những giải pháp đối với vấn đề bất bình đẳng giới, bất bình đẳng về kinh tế, hướng tới đoàn kết thúc đẩy hòa bình, an ninh và phát triển bền vững toàn cầu.
Hội nghị Thượng đỉnh các nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 11 với chủ đề chung là “Đoàn kết cùng định hình tương lai”. Hội nghị lần này dự kiến sẽ có sự tham gia của khoảng 50 nữ Chủ tịch Quốc hội trên thế giới.
|
Lễ đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại sân bay Abu Dhabi - Royal Jet ở Thủ đô Abu Dhabi |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự Hội nghị, một mặt tăng cường thúc đẩy quan hệ nhiều mặt với nước chủ nhà Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, thúc đẩy hợp tác trong Liên minh Nghị viện quốc tế, mặt khác đóng góp tích cực vào chương trình của Hội nghị, thúc đẩy vai trò của phụ nữ đóng góp tiếng nói lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu.
Đoàn kết thúc đẩy hòa bình, an ninh, phát triển bền vững toàn cầu
Hội nghị nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới là cơ chế gặp mặt của các nữ Chủ tịch lần đầu tiên được tổ chức nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 các Chủ tịch Quốc hội vào năm 2005 tại New York, Hoa Kỳ. Kể từ đó, hàng năm, Hội nghị được tổ chức nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, tăng cường vai trò và sự tham gia của nữ giới vào các hoạt động chính trị, góp phần giải quyết các vấn đề đối với trẻ em gái và phụ nữ như: bảo vệ và trao quyền cho trẻ em gái, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em… Trong hơn 30 năm qua, trên phạm vi toàn cầu, sự tham gia của phụ nữ vào đời sống chính trị xã hội ngày càng nhiều hơn, đặc biệt là các nữ nghị sĩ. Nếu như năm 1995, tỷ lệ trung bình của phụ nữ thế giới tham gia vào Quốc hội là 11% thì đến nay tỷ lệ này đã tăng lên 22%. Tuy nhiên, con số này chưa được như mong đợi. Chính vì vậy, Hội nghị nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới là dịp để các nghị sỹ chia sẻ kinh nghiệm trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các mặt của đời sống xã hội, bảo vệ quyền của phụ nữ; nỗ lực để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ, để phụ nữ có thể được trao quyền hơn nữa về mặt kinh tế.
Việt Nam, quốc gia đi đầu trong vấn đề bình đẳng giới
Tại Việt Nam, những năm qua, Đảng và Nhà nước thực hiện nhiều bước đột phá về nhận thức và hành động, từ khía cạnh luật pháp, chính sách đến thực tiễn và đạt được nhiều thành tựu quan trọng về bình đẳng giới. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong hơn 2 thập kỷ qua. Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội đạt gần 25%, đưa Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao ở khu vực và thế giới. Phụ nữ đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt của đất nước. Ở các địa phương, nhiều phụ nữ giữ vai trò chủ chốt ở các cấp, các ngành, góp phần giải quyết các vấn đề quan trọng. Nữ doanh nhân là người dân tộc thiểu số tăng, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số được phát huy. Về thành tựu này của Việt Nam, bà Pratibha Mehta, nguyên Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, chia sẻ: "Tôi đặc biệt ấn tượng với vai trò của phụ nữ Việt Nam. Ở Việt Nam, vai trò của người phụ nữ ngày càng quan trọng, họ có thể làm được tất cả mọi việc, nắm giữ những vị trí quản lý, đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế của đất nước, vào sự ổn định chính trị xã hội. Mọi phụ nữ Việt Nam đều có cơ hội được tiếp cận các quyền và đóng góp một cách bình đẳng".
|
Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (Ảnh minh họa: mpi.gov.vn) |
Nỗ lực bảo đảm bình đẳng giới của Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận. Bà Hon. Rosaline J. Smith, nghị sĩ Quốc hội Sierra Leone, trong lần đến Việt Nam tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện quốc tế lần thứ 132, đã khẳng định: "Việt Nam làm tốt công tác bình đẳng giới. Tôi thấy nhiều phụ nữ Việt Nam đảm đương các chức vụ cao trong quốc hội, ví dụ như chủ tịch Quốc hội Việt Nam. Tôi cho rằng Việt Nam đang đi đúng hướng và tiếp tục hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ".
Trên cơ sở những thành tựu đó, đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu tham dự Hội nghị lần này chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam, khẳng định chính sách bình đẳng giới của Đảng và Nhà nước Việt Nam, tích cực, chủ động phát huy vai trò của Việt Nam nói chung, Quốc hội Việt Nam nói riêng trên các diễn đàn nghị viện khu vực và thế giới, cùng các nữ Chủ tịch Quốc hội khác trên thế giới huy động sức mạnh đoàn kết, mở rộng mạng lưới hợp tác quốc tế, thảo luận về những giải pháp đối với vấn đề bất bình đẳng giới, bất bình đẳng về kinh tế, hướng tới đoàn kết thúc đẩy hòa bình, an ninh và phát triển bền vững toàn cầu.