(VOV5) - Việc Việt Nam lần thứ hai trúng cử vào cơ quan nhân quyền của LHQ là sự vinh danh xứng đáng và mở ra chặng đường mới để Việt Nam tiếp tục đóng góp vào việc thúc đẩy nhân quyền trên thế giới.
Cuộc bỏ phiếu bầu thành viên mới của Hội đồng nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 trong đó có Việt Nam là một ứng cử viên ngày 11/10 đã diễn ra tại Đại hội đồng LHQ khóa 77 ở New York. Việc Việt Nam lần thứ hai trúng cử vào cơ quan nhân quyền của LHQ là sự vinh danh xứng đáng và mở ra chặng đường mới để Việt Nam tiếp tục đóng góp vào việc thúc đẩy nhân quyền trên thế giới.
Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Hiệu. Ảnh: VOV |
14 thành viên mới trên tổng số 17 ứng cử viên đã được bầu vào Hội đồng nhân quyền LHQ, đại diện cho 5 nhóm quốc gia bao gồm: châu Phi, châu Á-Thái Bình Dương, Đông Âu, châu Mỹ Latinh và Caribe, Tây Âu và các quốc gia khác. Nhóm châu Á-Thái Bình Dương được cho là có sự cạnh tranh lớn nhất khi có tới 6 ứng cử viên trong khi chỉ được bầu 4 ghế và các nước trúng cử bao gồm Việt Nam, Bangladesh, Kyrgyzstan và Maldives.
Phát biểu với báo giới sau khi kết quả cuộc bỏ phiếu được công bố, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Quang Hiệu chia sẻ: “Việc Việt Nam được Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu làm thành viên của Hội đồng nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 có một ý nghĩa hết sức to lớn và khẳng định sự công nhận vị thế của Việt Nam và đồng thời ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong suốt thời gian vừa qua.
Có thể nói đây là một nỗ lực rất lớn, là chủ trương, đường lối, chính sách xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và cũng là một trong những nội dung chính trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang hướng tới. Cộng đồng quốc tế rất kỳ vọng Việt Nam lần thứ hai tham gia Hội đồng nhân quyền, ngoài nỗ lực thúc đẩy quyền con người, sẽ đóng góp chung cho công việc của cộng đồng quốc tế.” - Ông Hiệu nói.
Sự kiện Việt Nam được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 được rất nhiều bạn bè Pháp vui mừng đón nhận, coi đó là sự ghi nhận xứng đáng của cộng đồng quốc tế đối với vai trò của Việt Nam và cũng là thành tựu chính đáng trên con đường phát triển đúng đắn mà Việt Nam đã lựa chọn.
Ông Gérard Daviot, nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp-Việt (AAFV). Ảnh: VOV |
Ông Gérard Daviot, nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp-Việt (AAFV), đánh giá: “Việc Việt Nam được bầu làm thành viên Hội đồng nhân quyền LHQ đối với tôi là hết sức bình thường và chính đáng vì đó là cả một chặng đường đã được Việt Nam vạch ra và thực hiện thành công. Việt Nam đang đi trên con đường đúng đắn. Bản thân tôi tự coi mình như một công dân thế giới và tôi đánh giá rất cao con đường mà Việt Nam đã đi qua, một con đường hoàn toàn hợp lý, vinh danh những nhà lãnh đạo và nhân dân Việt Nam. Đó là một sự công nhận của quốc tế.
Giờ đây Việt Nam được bầu vào Hội đồng nhân quyền, cần phải nhìn nhận rằng, đó là một sự công nhận của toàn thế giới. Tôi xin chúc mừng các nhà lãnh đạo và nhân dân Việt Nam vì đã trở thành một trong những quốc gia được thế giới vinh danh về nhân quyền”.
Cũng như ông Daviot, bà Hélène Luc, Thượng nghị sĩ danh dự, người cũng đã có nhiều thập kỷ sát cánh cùng Việt Nam trong cả giai đoạn đấu tranh giành độc lập dân tộc lẫn xây dựng đất nước, nhận định, đây là một tin tức tốt đẹp và quan trọng với cả Việt Nam lẫn chính tổ chức nhân quyền của Liên hiệp quốc.
Nhóm châu Á-Thái Bình Dương được cho là có sự cạnh tranh lớn nhất khi có tới 6 ứng cử viên trong khi chỉ được bầu 4 ghế và các nước trúng cử bao gồm Việt Nam, Bangladesh, Kyrgyzstan và Maldives.
Bà Hélène Luc chia sẻ: “Tôi hết sức vui mừng khi biết tin này và cho rằng đây là tin tức hết sức quan trọng. Tôi tin rằng với việc được bầu làm thành viên Hội đồng nhân quyền LHQ, Việt Nam sẽ giúp giải quyết được rất nhiều vấn đề và việc vai trò mới cũng sẽ cho phép Việt Nam làm được nhiều điều hơn. Tôi cũng tin rằng điều này sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa tiến trình dân chủ tại Liên hiệp quốc và tôi tin Việt Nam sẽ hoàn thành đầy đủ trách nhiệm. Đây là một điều rất tốt và tôi thực sự rất vui mừng”.
Việt Nam hiện là một trong những nước tích cực, chủ động tham gia vào hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người do Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác ban hành.
Tính đến năm 2021, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản. Các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, Việt Nam cam kết thực hiện và coi đó là trách nhiệm chính trị, pháp lý của Nhà nước.
Việc Việt Nam tiếp tục trúng cử là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 là hoàn toàn xứng đáng, tiếp nối những đóng góp hiệu quả vào hoạt động của Liên hợp quốc trong xây dựng hòa bình, phát triển và đảm bảo quyền con người.
Điều này cũng thể hiện niềm tin và sự tín nhiệm của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam khi Việt Nam từng có nhiệm kỳ rất thành công từ 2014-2016, tham gia tích cực các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền, thúc đẩy các sáng kiến thể hiện dấu ấn, được cộng đồng quốc tế đánh gia cao.