(VOV5) -Bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Phiên thảo luận chung của Đại hội đồng nhận được sự quan tâm của nghị viện các nước thành viên.
Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu vừa kết thúc chuyến tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 137 (IPU-137) và các Hội nghị liên quan tại Saint Peterbourg (Liên bang Nga). Tại Hội nghị này, Việt Nam tiếp tục thể hiện là thành viên có trách nhiệm của IPU.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại cuộc gặp Chủ tịch IPU Saber Chowdhury. (nguồn ảnh: VOV.VN) |
Chuyến tham dự IPU 137 của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân diễn ra theo lời mời của Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới Saber Chowdhury, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Ivanovna Matviyenko và Chủ tịch Duma Quốc gia Liên bang Nga Vyacheslav Volodin.
Việt Nam cùng các nước phấn đấu vì hòa bình và phát triển
Tham gia IPU 137, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham gia thảo luận tất cả các nội dung của chương trình nghị sự, trong đó có báo cáo tóm tắt kết quả Hội nghị chuyên đề khu vực châu Á - Thái Bình Dương về ứng phó với biến đổi khí hậu, hành động của các nhà lập pháp vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh; các phát biểu, kiến nghị tham gia thảo luận của Ủy ban thường trực IPU; diễn đàn Nghị sỹ trẻ.
Đặc biệt bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Phiên thảo luận chung của Đại hội đồng về chủ đề: “Thúc đẩy đa dạng văn hóa và hòa bình thông qua đối thoại giữa các tôn giáo và sắc tộc” nhận được sự quan tâm của nghị viện các nước thành viên.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh chỉ có lòng khoan dung, sự đối thoại chân thành, tôn trọng, tin cậy, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, các tôn giáo mới có thể đem lại hòa bình cho thế giới. Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Trong lịch sử xây dựng và phát triển đất nước, các dân tộc, các tôn giáo đó chung sống hòa thuận vừa cùng nhau phát triển, vừa cùng nhau xây dựng nền văn hóa chung của dân tộc Việt Nam, vừa gìn giữ, phát huy và phát triển bản sắc riêng về văn hóa, ngôn ngữ, tín ngưỡng của dân tộc mình. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: "Ở Việt Nam, quyền bình đẳng giữa các dân tộc, các tôn giáo đã được khẳng định trong tất cả các bản Hiến pháp. Năm 2013, Quốc hội Việt Nam đã thông qua bản Hiến pháp mới, trong đó tiếp tục khẳng định Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước".
Để thúc đẩy đa dạng văn hóa thông qua đối thoại hòa bình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị IPU tiếp tục khuyến khích các nghị viện thành viên tích cực rà soát, xóa bỏ các điều luật, các quy định mang tính phân biệt đối xử, bảo đảm sự tham gia của các thành phần xã hội vào đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước. Khuyến khích các quốc gia xây dựng các tiêu chí đánh giá về hiệu quả chính sách pháp luật đối với các nhóm dân tộc, sắc tộc và các tôn giáo nhằm bảo đảm sự bình đẳng, công bằng cho tất cả mọi người trong xã hội.
"Đề nghị Liên minh Nghị viện khuyến khích các nghị viện thành viên tích cực xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý bảo đảm quyền bình đẳng của các dân tộc, các tôn giáo trước pháp luật, tạo cơ sở pháp lý vững chắc bảo vệ, phát huy văn hóa dân tộc, tự do tôn giáo, xử lý hài hòa lợi ích của người dân, của cộng đồng với lợi ích của đất nước trong sự phát triển.Đồng thời tăng cường giám sát việc thực thi các chính sách của Chính phủ nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của người dân, đối xử công bằng, bình đẳng với mọi thành phần xã hội từ các dân tộc, tôn giáo, các nền văn hóa khác nhau, qua đó góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc."
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị nghị viện các nước cùng triển khai những dự án hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của những cuộc đối thoại đa văn hóa, đa tôn giáo trên toàn thế giới; nâng cao hiểu biết và sự tin cậy lẫn nhau, cùng nhau phấn đấu vì hòa bình và phát triển.
Luôn là thành viên có trách nhiệm của IPU
Quốc hội Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) từ tháng 4/1979. Từ đó tới nay, cùng với khuynh hướng mở rộng dân chủ tại Liên minh Nghị viện thế giới, Việt Nam luôn là thành viên tích cực và có trách nhiệm tại diễn đàn này, được bạn bè quốc tế và khu vực đánh giá cao. Quốc hội Việt Nam đã đảm nhiệm vị trí Chủ tịch nhóm địa chính châu Á-Thái Bình Dương và nhóm ASEAN +3 trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (năm 2006, 2010 và năm 2016).
Tháng 10/2007, Kỳ họp Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ. Lần đầu tiên đại diện của Quốc hội Việt Nam được Đại hội đồng tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành-Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Liên minh Nghị viện thế giới. Đặc biệt, tháng 4/2015, Quốc hội Việt Nam đã đảm nhiệm cương vị Chủ tịch và tổ chức thành công Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) với việc thông qua Tuyên bố Hà Nội, đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Tham dự các hoạt động của IPU và đóng góp tiếng nói tại diễn đàn nghị viện đa phương lớn nhất thế giới này luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương của Quốc hội Việt Nam.
Với những đóng góp trong 38 năm kể từ khi Quốc hội Việt Nam trở thành thành viên chính thức của IPU cho thấy Việt Nam luôn là thành viên tích cực và có trách nhiệm của liên minh này.