(VOV5) - Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đội hình đáp ứng đủ về kiến thức, sức khỏe, năng lực, trình độ tiếng Anh và khả năng hợp tác quốc tế.
Ngày 27/4, Việt Nam lần đầu tiên cử đội công binh thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ An ninh lâm thời của Liên hợp quốc tại Abyei – khu vực có tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan (gọi tắt là phái bộ UNISFA). Sự kiện này đánh dấu một bước phát triển mới, quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực tham gia gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc.
Cán bộ, sĩ quan đội công binh Việt Nam cùng số lượng vũ khí trang bị khoảng trên 2 nghìn tấn đã và đang trên đường đến Phái bộ Abyei làm nhiệm vụ quốc tế - Ảnh: tuoitre.vn |
184 cán bộ, sĩ quan đội công binh Việt Nam cùng số lượng vũ khí trang bị khoảng trên 2 nghìn tấn đã và đang trên đường đến Phái bộ Abyei làm nhiệm vụ quốc tế. Khu vực Abyei là phái bộ mới nhưng là phái bộ thứ 3 mà Việt Nam triển khai lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình.
Triển khai đội hình với quy mô lớn
Sau 8 năm, lần đầu tiên, Việt Nam triển khai một đội hình với quy mô lớn đi thực hiện nhiệm vụ quốc tế. Việc triển khai đội hình lớn như vậy là một thách thức lớn, khác hẳn so với việc cử cá nhân hoạt động độc lập hoặc quy mô cấp nhỏ như bệnh viện dã chiến cấp 2.
Để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này, thời gian qua, Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đội hình đáp ứng đủ về kiến thức, sức khỏe, năng lực, trình độ tiếng Anh và khả năng hợp tác quốc tế. Điều này khi Liên hợp quốc cử đoàn khảo sát sang Việt Nam đánh giá cao. Sau khi thấy năng lực của công binh Việt Nam, với trang thiết bị sẵn có và năng lực vận hành phương tiện, trong số 15 đội công binh của các nước, họ đã chọn Việt Nam. Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục gìn giữ hòa bình, Bộ Quốc phòng, cho biết: "Đội công binh của chúng ta đã có thời gian chuẩn bị hơn 5 năm về nhân sự đều là những kỹ sư, là những chuyên gia máy, là thợ xây dựng bậc cao được tuyển chọn từ 21 đơn vị như là đội công binh công trình, đội công binh xây dựng mặt bằng đường sá, cầu cống, để về triển khai trong đợt huấn luyện và triển khai đội công binh của chúng ta lần này. Với năng lực mà đội kiểm tra tiền trạm của Liên hợp quốc vào sát hạch, họ thấy là đội công binh của chúng ta là đội công binh tiêu biểu nhất trong số 15 đội công binh mà có mong muốn, nguyện vọng triển khai ở UNISFA".
Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách
Việc cán bộ, chiến sĩ Việt Nam có đầy đủ năng lực và đáp ứng được các yêu cầu của Liên hợp quốc là nhờ quá trình chuẩn bị, đặc biệt trong thời gian qua, Bộ Quốc phòng, Quân ủy Trung ương đã tạo điều kiện để lực lượng công binh có được các loại vũ khí, trang bị tốt để phục vụ cho nhiệm vụ.
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục gìn giữ hòa bình, Bộ Quốc phòng - Ảnh: tuoitre.vn |
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục gìn giữ hòa bình, Bộ Quốc phòng, cho biết thêm: "Nguồn thứ nhất chúng ta lấy thiết bị sẵn có từ Bộ Quốc phòng, nguồn thứ 2 chúng ta cải hoán một số các loại trang thiết bị xe máy, và trang thiết bị vũ khí cho phù hợp với tiêu chí của Liên hợp quốc. Nguồn thứ 3 là mua sắm các trang thiết bị mới từ nước ngoài về. Với 3 nguồn này, chúng ta đã đáp ứng được đề xuất của Liên hợp quốc đối với đội công binh của chúng ta với 2 chức năng lớn. Đó là xây dựng mặt bằng cầu, phà, bến cảng, làm sân bay hay là làm lán trại cho lực lượng tị nạn, rồi khoan giếng phục vụ đời sống của người tị nạn ở vùng biên giới. Nhiệm vụ thứ 3 là xây nhà cao tầng, doanh trại dã chiến theo đề xuất của Liên hiệp quốc. Đây là những nhiệm vụ mà lực lượng công binh của chúng ta ở trong nước vẫn thường làm và chúng ta thấy đội công binh của chúng ta hoàn toàn có đủ năng lực để hoàn thành tốt những nhiệm vụ này".
Đánh dấu giai đoạn mới, hội nhập quốc tế quốc phòng đa phương.
Trong quá trình Việt Nam hội nhập sâu rộng với quốc tế, việc quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã đánh dấu giai đoạn trưởng thành quan trọng.
Hiện nay, Việt Nam đã có 4 sĩ quan được Liên hợp quốc cử làm đại diện để giải quyết các vấn đề. Việt Nam đã ký được 9 bản thỏa thuận về hợp tác quốc phòng song phương trên lĩnh vực gìn giữ hòa bình với 9 đối tác quốc tế. Thành công ở môi trường gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã có tác động tới hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ ở các nước châu Phi đã gợi lại một hình ảnh đẹp, nhân văn của con người Việt Nam, của nền văn hóa Việt Nam "có trước, có sau" đối với các dân tộc Á - Phi - Mỹ latinh, những dân tộc đã từng hỗ trợ Việt Nam trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Thời gian tới, Việt Nam sẽ mở rộng lực lượng, không dừng lại ở quân y, công binh hay sĩ quan hoạt động độc lập mà sẽ mở rộng thêm lực lượng bộ binh, kiểm soát quân sự, công an, dân sự... Điều này khẳng định Việt Nam không chỉ đóng góp trên lĩnh vực đối ngoại quốc phòng hay hợp tác quốc tế mà còn mang những kiến thức về quân sự, kinh nghiệm trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước trước đây vào một giai đoạn phát triển mới, hội nhập quốc tế trong môi trường đa phương.