(VOV5) - Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ vừa trình Quốc hội một loạt dự án luật liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong số đó đáng chú ý là Dự án luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật đầu tư về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Đây là 2 dự án luật có tác động khá toàn diện tới cộng đồng doanh nghiệp và tới các lĩnh vực kinh doanh.
|
Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 97% tổng số doanh nghiệp Việt Nam, có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế. Mặc dù, công tác hỗ trợ khối doanh nghiệp này đã bắt đầu triển khai từ năm 2001 nhưng hiệu quả thực sự chưa rõ rệt. Những điều mà các doanh nghiệp cần là những quy định hỗ trợ cụ thể về: mặt bằng sản xuất, tham gia kế hoạch mua sắm, cung ứng dịch vụ công…nhưng nhiều chính sách mới chỉ dừng lại ở những quy định chung chung, chưa có những quy định hỗ trợ rõ ràng. Đây là lý do chỉ có 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận các chương trình hỗ trợ. Số còn lại hầu như không biết và không tiếp cận được chính sách này.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận tối đa các ưu đãi
Thực trạng trên khiến khối các doanh nghiệp nhỏ và vừa mong chờ vào 1 dự án Luật hỗ trợ cho họ. Theo Thứ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Đặng Huy Đông, dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa là khung khổ pháp lý cao nhất và mang tính liên tục, nhất quán, toàn diện dành cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa. Dự Luật mới sẽ giúp phát triển doanh nghiệp gia tăng số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động của khu vực doanh nghiệp này, thông qua việc thiết lập đồng bộ các chính sách, chương trình hỗ trợ trên cơ sở hỗ trợ có chọn lọc, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của đất nước, lợi thế của từng địa phương và nguồn lực của quốc gia. Đặc biệt, dự Luật này sẽ xác định rõ trách nhiệm và vai trò của Chính phủ, cơ quan Trung ương và địa phương, các tổ chức xã hội và khu vực tư nhân trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, củng cố hệ thống triển khai chính sách hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa từ Trung ương đến địa phương. Ông Lê Quân, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đánh giá:Dự án Luật được soạn thảo khá công phu,chi tiết và gần như phổ diện được hầu hết các nhu cầu mà một doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được hỗ trợ. Tôi ví dụ như những quy định rất mới như hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính.
|
Đại biểu Lê Quân (quochoi.vn) |
Những sự hỗ trợ của luật này không tạo ra sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong dự thảo có phân chia các nhóm doanh nghiệp ở các mức hỗ trợ khác nhau, không tạo ra sự bao cấp cho các doanh nghiệp thiếu năng lực, không có khả năng phát triển và có nguy cơ giải thể, phá sản. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp có tiềm năng được nhận sự hỗ trợ tốt nhất để phát triển. Tuy nhiên một số đại biểu Quốc hội đề nghị thu hẹp đối tượng điều chỉnh của luật. Ông Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, đề nghị:Tôi đề nghị luật chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tư nhân trong nước vì việc hỗ trợ cho đối tượng này không vi phạm các nguyên tắc của WTO cũng như của các hiệp định thương mại tự do khác . Thứ 2 là trong điều kiện nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ rất hạn chế, chúng ta cũng chỉ nên ưu tiên dành cho các doanh nghiệp nội địa.
Xóa bỏ ngay những rào cản trong hoạt động đầu tư, kinh doanh
Nếu như dự thảo luật doanh nghiệp nhỏ và vừa tác động trực tiếp đến hơn 500 nghìn doanh nghiệp thì dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật đầu tư về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện cũng tác động tới một lượng rất lớn doanh nghiệp khi pháp luật hiện hành quy định tới 267 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thuộc các lĩnh vực như quốc phòng, an ninh; tư pháp; lao động, thương binh và xã hội; giao thông vận tải; thông tin và truyền thông; giáo dục và đào tạo; nông nghiệp và phát triển nông thôn; y tế; tài nguyên và môi trường; ngân hàng. Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành, Bộ kế hoạch và đầu tư kiến nghị Quốc hội xem xét giảm 41 ngành, nghề. Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Việc cắt giảm một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, thiếu tính khả thi nhằm xóa bỏ rào cản gia nhập thị trường, giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà Luật này không cấm.
|
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). |
Ông Trần Anh Tuấn, đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: Tôi nhất trí chúng ta phải cần xem xét sửa đổi và rút gọn lại những ngành kinh doanh có điều kiện để tạo môi trường thuận lợi, tốt hơn cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Đối với những ngành có ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, sức khỏe cộng đồng, môi trường thì nên có điều kiện. Chúng ta phải rà soát rất kỹ danh mục này vì tác động đến sản xuất kinh doanh rất lớn, phải có cải cách hơn để tránh mất thời gian cho doanh nghiệp.
Việc hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực, xóa bỏ các rào cản kinh doanh là chủ trương lớn của Việt Nam. Việc Chính phủ trình Quốc hội Dự án luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật đầu tư về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tiếp tục hiện thực hóa chủ trương này, tạo thêm động lực cho doanh nghiệp phát triển, từ đó tạo thêm sức mạnh cho nền kinh tế.