(VOV5) - Cách đây đúng 8 năm, vào ngày 7/11/2006, Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và sau đó được công nhận là thành viên chính thức của tổ chức này vào ngày 11-1-2007. Việc gia nhập WTO đã mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam với thị trường rộng lớn, gồm 160 nước thành viên, chiếm 97% GDP toàn cầu. Sau 8 năm, Việt Nam đã tận dụng những lợi thế của một thành viên WTO để phát triển toàn diện nền kinh tế của mình.
Theo nhận định của WTO, dù còn nhiều vấn đề phải tiếp tục cải cách, sửa đổi, nhưng sự thay đổi tích cực sau 7 năm gia nhập WTO đã nói lên thông điệp rằng: Việt Nam đã và đang thực hiện nghiêm túc và có trách nhiệm các cam kết gia nhập WTO.
|
Sự tham gia mạnh mẽ của nguồn FDI đưa kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng trưởng ổn định. Trong ảnh: Sản xuất găng tay xuất khẩu tại Công ty TNHH Showa Gloves (Nhật Bản) tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 1 (TX.Thuận An). Ảnh: Báo Bình Dương |
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng triển bền vững
Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về thương mại quốc tế, cho rằng: Kể từ khi gia nhập WTO đến nay, Việt Nam thực hiện nghiêm túc các cam kết của Tổ chức thương mại thế giới về mở cửa thị trường, công khai minh bạch hóa, từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, thiết lập môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài cũng từng bước được cải thiện, góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Ngay trong năm đầu gia nhập WTO (năm 2007), tổng giá trị hàng xuất nhập khẩu tăng 31,3% (tương đương mức tăng 26,52 tỷ USD so với năm 2006). Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 132 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2012, tương đương với 17,6 tỷ USD, là năm thứ 2 liên tiếp xuất siêu kể từ khi gia nhập WTO. Ông Trần Quốc Khánh nhấn mạnh: Việc VN cải cách thể chế kinh tế, chính sách thương mại theo hướng ngày càng phù hợp với tiêu chuẩn, luật lệ của WTO, được các nước thành viên WTO và thế giới công nhận, ủng hộ: “Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong một thời gian dài và giảm đáng kể tỷ lệ đói nghèo. Việt Nam vẫn từng ngày vẫn quyết tâm hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế khu vực và kinh tế thế giới, qua đó trở thành một nền kinh tế ngày càng năng động”.
Những năm qua, kinh tế Việt Nam tăng trưởng bình quân 7,3%/năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gần 4 lần và tỷ lệ lạm phát trong năm ngoái giảm xuống còn từ 6 đến 7%. Về thương mại hàng hóa, Việt Nam hiện là nền kinh tế có mức độ hội nhập tốt, trong đó xuất khẩu chiếm gần ¾ tổng sản phẩm quốc nội. Việt Nam đã trở thành một tác nhân kinh tế và chính trị quan trọng trong Asean và khu vực Châu Á và là đối tác quan trọng của nhiều quốc gia, khu vực.
Đẩy mạnh cải cách, xây dựng nền kinh tế theo xu thế thương mại toàn cầu
Nền kinh tế Việt Nam đang có những chuyển biến quan trọng nhờ vào những cải cách thể chế pháp luật toàn diện mà Việt Nam thực hiện theo cam kết với WTO. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhấn mạnh cải cách thể chế sẽ luôn là nhiệm vụ ưu tiên giúp Việt Nam tối ưu hóa hiệu quả từ việc hội nhập WTO mang lại: “Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu đột phá về thể chế và coi đột phá thể chế tạo ra động lực mới cho tăng trưởng là yêu cầu quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Đột phá thể chế trong nước là quan trọng nhất để Việt Nam tận dụng được lợi thế của WTO cũng như các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang chuẩn bị ký kết như TPP, hiệp định thương mại Việt Nam-EU và nhiều hiệp định thương mại tự do khác”.
Tuy nhiên, việc gia nhập WTO cũng mang lại những tác động không thuận đối với nông nghiệp Việt Nam và đem lại lợi ích chưa tương xứng cho những nhóm dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Bên cạnh đó, cán cân xuất nhập khẩu của Việt Nam những năm gần đây cũng tồn tại nhiều vấn đề. Nguyên Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới Pascal Lamy cho rằng: Để hạn chế những rủi ro cho nền kinh tế cũng như tạo thuận lợi trong phát triển kinh tế thời kỳ “hậu WTO”, doanh nghiệp cùng ngành xuất khẩu Việt Nam cần chú trọng những mặt hàng tạo ra giá trị gia tăng ổn định. Ông Lami nêu rõ những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới cũng là những nước nhập khẩu nhiều nhất thế giới. Vì thế, muốn bắt kịp xu thế thương mại toàn cầu mới thì Việt Nam cần chú trọng nội dung nhập khẩu vào những mặt hàng có thể tạo ra giá trị gia tăng lớn dựa trên lợi thế cạnh tranh của mình: “Việt Nam cần tận dụng lợi thế cạnh tranh dài hạn của mình và làm thế nào có thể tạo ra giá trị gia tăng để xuất khẩu. Nghĩa là, Việt Nam cần phải nhập khẩu những mặt hàng cho phép phần nội địa hóa của các bạn tận dụng được tối đa lợi thế cạnh tranh để thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm đó khi xuất khẩu”.
Hiện tại, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng chính sách định hướng xuất khẩu nhằm tạo động lực giúp cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế cũng như phát triển nền kinh tế đất nước. Những cải cách cụ thể, đúng đắn về thể chế, chính sách đẩy thúc tự do hoá thương mại và khắc phục những hệ lụy của việc gia nhập WTO này góp phần đảm bảo sự tăng trưởng và sự hội nhập bền vững vào nền kinh tế toàn cầu của Việt Nam./.