(VOV5) - Trong 2 thập niên tới, 56% lao động tại 5 quốc gia ASEAN , trong đó có Việt Nam, sẽ đối mặt với nguy cơ mất việc làm.
Hệ thống an sinh xã hội khu vực ASEAN đang bước sang một giai đoạn phát triển mới, do tác động từ Cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình tự do dịch chuyển lao động trong khu vực. Điều này đòi hỏi các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, phải có cách tiếp cận sáng tạo, tầm nhìn dài hạn đồng thời liên kết hiệu quả, tạo nên sự cộng hưởng sức mạnh của cả Hiệp hội vì sự nghiệp an sinh xã hội bền vững cho mọi người dân.
Quang cảnh hội thảo chủ đề “Cơ hội và thách thức của các hệ thống ASXH khu vực ASEAN trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và tự do dịch chuyển lao động”. - Nguồn: Tạp chí Bảo Hiểm Xã Hội
|
Cách mạng 4.0 đem lại những cơ hội lớn nhưng cũng kèm theo những thách thức cho thế giới nói chung và các nước ASEAN nói riêng. Nhiệm vụ đặt ra là phải làm cho sự thay đổi ấy theo chiều hướng tốt đẹp hơn.
Chia sẻ, hợp tác để vượt qua thách thức
Theo dự báo, trong 2 thập niên tới, 56% lao động tại 5 quốc gia ASEAN , trong đó có Việt Nam, sẽ đối mặt với nguy cơ mất việc làm. Ông Jens Schremmer, Trưởng văn phòng Tổng thư ký Hiệp hội an sinh xã hội quốc tế (ISSA), cho rằng nền kinh tế số làm phát sinh nhiều công việc, tác động đến lao động truyền thống, tạo khoảng trống về bao phủ an sinh xã hội cũng như việc bảo mật dữ liệu, an ninh mạng... Đây không còn là vấn đề mang tính tương lai mà nó đang hiện hữu trước mắt. Do đó việc nhanh chóng tận dụng cơ hội, vượt lên những thách thức đòi hòi sự nhạy bén, bản lĩnh. Trong thời gian tới, cần tăng cường hợp tác, học hỏi lẫn nhau trong hiệp hội an sinh xã hội ASEAN thông qua chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia thành viên với các tổ chức an sinh xã hội trong khu vực và trên thế giới.
Đồng quan điểm này, ông Suradej Waleeittikul, Tổng Thư ký Hiệp hội An sinh xã hội Thái Lan, đề xuất: “Kết quả của dịch chuyển xã hội đòi hỏi các chính phủ phải có các điều khoản về an sinh xã hội cần được đảm bảo cho các lao động đặc biệt là các lao động di cư. Tương lai có rất nhiều thách thức vì vậy việc chia sẻ kiến thức là rất cần thiết để có thể hướng tới mục tiêu chung trong khu vực ASEAN thống nhất.”
Nỗ lực của Việt Nam
Đối với Việt Nam, quy mô lực lượng lao động tăng từ gần 56 triệu người (năm 2016) lên 62 triệu người (năm 2025). Để đáp ứng nhu cầu việc làm cho người lao động, hằng năm, nền kinh tế cần tạo thêm khoảng 650 nghìn việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động. Tuy nhiên, cơ cấu lao động qua đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thực tế, chưa cân đối giữa các ngành đào tạo.
Việc cần làm hiện nay đối với người lao động là phải nhanh chóng tự tích lũy tay nghề hoặc tìm nghề để có thể kéo dài công việc. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Điều đặc biệt quan trọng là phải tập trung nguồn lực phát triển con người. Chúng ta nói nhiều đến đào tạo, đến hòa hợp hay công nhận bằng cấp văn bằng lẫn nhau trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt phải nhấn mạnh đến vai trò của cộng đồng doanh nghiệp cùng với nhà nước, các tổ chức xã hội, người lao động phải làm sao cho hệ thống đào tạo phát triển nguồn nhân lực có những thay đổi rất căn bản, sao cho người lao động dù là lao động giản đơn lao động phức hợp đều sẵn sàng nâng cao trình độ của mình, có nhiều kỹ năng rất mới.”
Ngoài việc đào tạo nghề, vấn đề thứ hai là hệ thống an sinh xã hội phải hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn, nhất là bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để khi người lao động thất nghiệp thì họ có thể đi học nghề để lo cho cuộc sống.
Thứ trưởng Bộ tài chính, Tổng giám đốc bảo hiểm xã hội Việt Nam, Nguyễn Thị Minh cho biết: “Ban chấp hành TW đã thông qua nghị quyết cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Chính phủ đang triển khai chương trình hành động và gần đây nhất là chính phủ đã thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử. Điều này rất tốt cho bảo hiểm xã hội. Trong nghị quyết TW cũng như chương trình hành động của Chính phủ, chúng tôi sẽ tham mưu đề xuất xây dựng chính sách bảo hiểm đa tầng linh hoạt để mọi người dân có thể tham gia được.”
An sinh xã hội là chính sách xã hội cơ bản, hướng vào mục tiêu phát triển con người, thúc đẩy công bằng và tiến bộ, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Do đó, việc các quốc gia ASEAN nhận thức, triển khai mạnh mẽ các chính sách an sinh xã hội sẽ giúp thực hiện thành công mục tiêu tất cả vì con người là trung tâm và không ai bị bỏ lại phía sau.