(VOV5) - Với một thị trường hơn 1,6 tỷ dân, rộng trên 36 triệu km2, Trung Đông - châu Phi là khu vực có nhiều tiềm năng hợp tác.
Hội nghị "Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi năm 2019", do Bộ Ngoại giao Việt Nam lần đầu tiên tổ chức, diễn ra trong hai ngày 9 và 10/9 tại Hà Nội.
Các đại biểu dự Hội nghị Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi năm 2019, sáng 9/9/2019, tại Hà Nội. - Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
|
Là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của các quốc gia Trung Đông - châu Phi, Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống với các quốc gia trong khu vực này. Vì vậy, đây là sự kiện nhằm tăng cường kết nối, tạo diễn đàn đối thoại, trao đổi trực tiếp giữa các cơ quan đại diện ngoại giao các nước trong khu vực này với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam về các biện pháp cụ thể thúc đẩy hơn nữa hợp tác nhiều mặt giữa hai bên.
Với một thị trường hơn 1,6 tỷ dân, rộng trên 36 triệu km2, Trung Đông - châu Phi là khu vực có nhiều tiềm năng hợp tác. Ngược lại, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển ở khu vực Đông Nam Á, khu vực tăng trưởng nhanh nhất của châu Á - Thái Bình Dương. Trong số 70 nước ở khu vực Trung Đông - châu Phi, đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 69/70 quốc gia; có quan hệ thương mại với tất cả các quốc gia trong khu vực.
Nhiều tiềm năng hợp tác
Với một thị trường hơn 1,6 tỷ dân, rộng trên 36 triệu km2, Trung Đông - châu Phi là khu vực có nhiều tiềm năng hợp tác. Ngược lại, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển ở khu vực Đông Nam Á, khu vực tăng trưởng nhanh nhất của châu Á - Thái Bình Dương. Trong số 70 nước ở khu vực Trung Đông - châu Phi, đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 69/70 quốc gia; có quan hệ thương mại với tất cả các quốc gia trong khu vực với kim ngạch hai chiều đạt trên 17,5 tỷ USD năm 2018, tăng 300% so với năm 2008.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường phát biểu khai mạc Hội nghị. - Ảnh: Tuấn Anh/baoquocte |
Các nước Trung Đông-Châu Phi đều có quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam, từng ủng hộ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế ở mỗi nước. Các quốc gia đến từ Châu Phi, Trung Đông đều đánh giá cao sự phát triển của Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh hội nhập và liên kết quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ ở cả Châu Á và Trung Đông, Châu Phi thì với những tiềm năng và thế mạnh có thể bổ sung cho nhau, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước Trung Đông, Châu Phi đang có nhiều cơ hội để phát triển hơn nữa. Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường cho rằng: “Quan hệ Trung Đông-Châu Phi với Việt Nam thì hết sức tốt đẹp, lâu đời. Nước Châu Phi nào nói tới Việt Nam đều biết đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Quan hệ chính trị tốt như vậy nhưng quan hệ kinh tế tôi cho rằng chưa đi kịp. Có nhiều nguyên nhân có thể từ nhận thức của cả hai bên với tầm quan trọng của sự phát triển, thông tin trao đổi với nhau còn hạn chế. Vì thế tại hội nghị lần này mục đích quan trọng các đại sứ ở Việt Nam ta sẽ cung cấp cho họ về tình hình Việt Nam thời gian qua cũng như các định hướng của chúng ta trong thời gian tới”.
Trong bối cảnh quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông – châu Phi chưa tương xứng với tiềm năng, cả Việt Nam và các quốc gia Trung Đông Châu Phi đều nhận thức rằng tỉ trọng trao đổi thương mại giữa Việt Nam với khu vực rộng lớn gồm 70 quốc gia với 1.6 tỉ dân trải dài trên 36 triệu km vuông hiện chỉ chiếm 3,5% trên tổng số 480 tỉ USD xuất khẩu hàng hoá Việt Nam trong năm 2018 là còn quá khiêm tốn so với tốc độ tăng trưởng và quy mô kinh tế và dân số của cả hai bên. Điều này đòi hỏi các bên còn phải làm nhiều hơn nữa, quyết liệt hơn nữa và hiệu quả hơn nữa. Đại sứ Ai Cập Mahmoud Hassan Nayel cho rằng: “Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Ai Cập tăng mạnh trong thời gian qua, khoảng 100% trong vòng 3 năm qua và riêng năm 2018 là tăng 20%. Tôi tin tưởng rằng mối quan hệ này sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Tôi cho rằng vấn đề mấu chốt ở việc hiểu biết thông tin về nhau, và hội nghị lần này là cơ hội tốt để các bên có thể tìm hiểu thông tin, nắm bắt cơ hội hợp tác, từ đó thúc đẩy thương mại hai chiều giữa Việt Nam với các nước trong khu vực”.
Ảnh: Tuấn Anh/baoquocte |
Tạo cú hích lớn cho thương mại, đầu tư
Trong bối cảnh đó, cần nhiều hoạt động hơn, vận dụng các biện pháp kỹ thuật để công chúng Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi thêm hiểu biết về văn hóa, ngôn ngữ, thấu hiểu những khó khăn, thách thức khi tìm đến hợp tác với nhau là nhiệm vụ, mục tiêu của Hội nghị "Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi năm 2019". Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường, Hội nghị lần này nhằm triển khai hiệu quả vai trò của các đại sứ, cầu nối giữa Việt Nam và Trung Đông - châu Phi: “Đây là hội nghị đầu tiên chúng ta tổ chức, nằm trong khuôn khổ đề án phát triển quan hệ Việt Nam-Trung Đông Châu Phi giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Qua hội nghị này mong muốn tạo cú hích cho quan hệ Việt Nam với Trung Đông Châu Phi trong thời gian tới. Hội nghị lần này ngoài trao đổi thông tin, tăng cường hiểu biết tập trung vào 3 vấn đề thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại, đầu tư Việt Nam-Trung Đông Châu Phi trong thời gian tới, tập trung các lĩnh vực ta và bạn có thế mạnh”.
Trong chính sách đối ngoại, Việt Nam luôn coi trọng tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với các nước Trung Đông - châu Phi. Nhiều nước trong khu vực đã tích cực thực hiện chính sách hướng Đông, tăng cường quan hệ với các quốc gia, các nền kinh tế đang lên ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, vừa qua, các nước Trung ĐÔng Châu Phi ủng hộ mạnh mẽ VIệt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ. Quan hệ chính trị tốt đẹp đó đang là nền tảng vững chắc để Việt Nam và khu vực Trung Đông Châu Phi thúc đẩy hợp tác nhiều mặt hơn trong thời gian tới.