(VOV5) - 60 năm qua, tình đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ giữa Việt Nam và Lào luôn là nhân tố có ý nghĩa sống còn trong quan hệ của mỗi Đảng, mỗi nước.
Ngày 05/9/1962, Việt Nam và Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ Việt Nam - Lào thời kỳ hiện đại.
Thành tựu nổi bật nhất trong 60 năm sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao là Việt Nam và Lào đã cùng đấu tranh chống quân xâm lược, giành độc lập dân tộc và giải phóng hoàn toàn đất nước vào năm 1975. Hai năm sau, năm 1977, Việt Nam và Lào ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác. Đây là cơ sở vững chắc để tăng cường và mở rộng quan hệ giữa hai nước, tạo tiền đề cho nhiều thỏa thuận hợp tác toàn diện sau này.
Phó chủ tịch nước Lào Bounthong Chitmany phát biểu tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa hai nước (diễn ra tháng 7/2022, tại Hà Nội). Ảnh: TTXVN |
Thành tựu hợp tác
Tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa hai dân tộc thể hiện sự tiếp nối liên tục trong 6 thập kỷ qua, thể hiện sự tiếp nối liên tục của liên minh chiến đấu Việt - Lào cũng như tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa hai dân tộc trên cả mặt trận quân sự và đối ngoại. Quan hệ chính trị song phương Việt Nam – Lào không ngừng được củng cố và nâng cao, từ "quan hệ hữu nghị truyền thống" thành "quan hệ hữu nghị vĩ đại" từ tháng 02/2019, tiếp tục giúp định hướng cho các lĩnh vực hợp tác khác.
Trong lĩnh vực đối ngoại, sự phối hợp và ủng hộ lẫn nhau một cách hiệu quả tại các diễn đàn đa phương đã góp phần nâng cao vị thế của Lào và Việt Nam ở khu vực và trên trường quốc tế, cũng như đóng góp vào việc củng cố hoà bình, ổn định và phát triển của Cộng đồng ASEAN.
Hợp tác kinh tế đạt được nhiều kết quả tích cực. Kim ngạch thương mại hai chiều liên tục tăng ở mức hai con số trong những năm gần đây. Từ tháng 1 đến tháng 7/2022, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Lào đạt gần 949 triệu USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam giữ vững vị trí là nước đầu tư lớn thứ 3 tại Lào với tổng số vốn đăng ký khoảng 5,4 tỉ USD.
Hợp tác về giáo dục đào tạo - lĩnh vực hợp tác chiến lược giữa hai nước, cũng như hợp tác văn hoá, y tế, giao thông vận tải, năng lượng ngày càng được củng cố và đẩy mạnh. Trong những năm qua, Việt Nam đã tiếp nhận rất nhiều học sinh, sinh viên Lào sang đào tạo, chỉ tính riêng trong 10 năm qua đã có hơn 50.000 người. Quan hệ giữa các địa phương, nhất là giữa các tỉnh giáp biên giới hai nước ngày càng trở nên khăng khít.
Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong chuyến thăm hữu nghị chính thức nước CHDCND Lào (tháng 8/2021). Ảnh: TTXVN |
Tinh thần đoàn kết và những thành tựu quan trọng đạt được trong quan hệ hai nước không chỉ tạo thuận lợi cho công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở mỗi nước, mà còn đóng góp vào việc duy trì môi trường hoà bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa hai nước (diễn ra tháng 7/2022, tại Hà Nội),
Phó chủ tịch nước Lào Bounthong Chitmany bày tỏ: "Chúng tôi vô cùng phấn khởi khi thấy rằng: mặc dù tình hình khu vực, quốc tế tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp cộng với khó khăn trong nội bộ hai nước, nhưng quan hệ đặc biệt Lào – Việt Nam tiếp tục được phát huy sâu rộng, đã thể hiện thông qua trong quan hệ chính trị, quốc phòng – an ninh và đối ngoại tiếp tục vững chắc, quan hệ toàn diện kinh tế - thương mại, đầu tư và các ngành khác bao gồm quan hệ hợp tác giữa các địa phương hai nước đều có những tiến triển và đang mang lại lợi ích thực tiễn cho cả hai bên."
Vững bước cùng phát triển
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh chóng và khó lường, lãnh đạo hai nước xác định càng cần phải đoàn kết, gắn bó, tăng cường hợp tác trên mọi lĩnh vực để cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, bảo vệ và không ngừng vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.
Phát biểu trong chuyến thăm hữu nghị chính thức nước CHDCND Lào (tháng 8/2021), Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc nâng tầm trụ cột hợp tác kinh tế với những đột phá mới, để tương xứng với tầm cao của quan hệ hữu nghị đặc biệt hai nước. "Chúng ta phải hợp tác để cùng nhau mạnh lên, giầu lên. Từ kinh nghiệm, bài học trong 35 năm đổi mới và phát triển kinh tế của Việt Nam, chúng tôi thấy rằng hai nước cần có tư duy hợp tác mới, các biện pháp mạnh, mang tính đột phá "đặc biệt" để giải phóng nguồn lực cho hợp tác kinh tế, thúc đẩy thương mại, đầu tư, kinh doanh. Tôi đề nghị cả Việt Nam và Lào cùng chủ động hội nhập quốc tế, tranh thủ nguồn lực bên ngoài cho phát triển. Khi chúng ta hợp tác, hàng hóa, dịch vụ của Lào và Việt Nam cùng có cơ hội tiếp cận các thị trường lớn này, đa dạng hóa đối tác. Cùng nhau, chúng ta nhất định sẽ phát triển mạnh."
Để mở rộng không gian phát triển, hai nước hướng tới mở rộng kết nối về giao thông, năng lượng, viễn thông... với nhiều tuyến đường xuyên biên giới theo trục Đông - Tây, kể cả đường bộ, đường sắt. Hàng hóa của Lào có thể đi qua bất cứ cảng nào của Việt Nam. Khởi đầu hợp tác này là hình thành Cảng quốc tế Lào - Việt tại miền Trung, Việt Nam. Từ nước không có biển, hợp tác với Việt Nam, Lào có thể thẳng tiến ra biển đi tới các thị trường khu vực, thế giới rộng lớn.
Việc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1962 đã mở ra một chương mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quan hệ giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào. Nhân dân 2 nước vẫn đang nỗ lực phát huy thành quả này như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa hai nước tháng 7/2022, dù thế giới có đổi thay thế nào chăng nữa, chúng ta vẫn quyết tâm cùng nhau gìn giữ và phát huy mối quan hệ đặc biệt thuỷ chung, son sắt Việt Nam - Lào.