(VOV5) - Năm 2016 là năm Việt Nam tiếp tục ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương và cũng là năm một số FTA chính thức có hiệu lực. Trong năm qua, các cơ quan liên quan của Việt Nam cũng như cộng đồng doanh nghiệp đã triển khai nhiều bước đi để thực hiện, tận dụng các lợi thế mà FTA mang lại cho nền kinh tế.
|
Ảnh minh họa |
Đến năm 2016, Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định Thương mại tự do song phương và đa phương, kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU), đang triển khai đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP), Việt Nam-Israel, Việt Nam-Cu Ba, ASEAN-Hồng Kông…. Năm 2016 cũng là năm đầu tiên Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Cộng đồng kinh tế ASEAN (từ ngày 1/1/2016), FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu bắt đầu có hiệu lực. Phạm vi hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng được mở rộng từ thương mại hàng hóa, sang thương mại dịch vụ, trong đó có dịch vụ tài chính, đầu tư, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ.
Triển khai thực hiện từ các Bộ, ngành, địa phương
Trong hội nhập tài chính, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để ban hành 10 Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt kể từ ngày 01/9/2016. Bên cạnh đó, hợp tác tài chính trong năm 2016 ngày càng được mở rộng với việc các Bộ trưởng Tài chính ASEAN thông qua kế hoạch hành động chiến lược về hội nhập tài chính ASEAN đến năm 2025. Năm 2016, Bộ Tài chính cũng tiếp tục triển khai các cam kết về thuế nhập khẩu theo các Thông tư đã ban hành các Biểu FTA; xây dựng lộ trình cam kết về thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu. Ví dụ thực hiện cam kết trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), Việt Nam xóa bỏ 8.521 dòng thuế nhập khẩu hàng hóa Hàn Quốc, chiếm tỷ lệ 89,15% trong biểu thuế và chiếm 92,72% tỷ lệ kim ngạch nhập khẩu.
Trong lĩnh vực thương mại, để phù hợp với các cam kết trong FTA, Bộ trưởng Bộ công thương Trần Tuấn Anh cho biết: "Thời gian qua chúng ta đã thực hiện hàng loạt đề án lớn cũng như thực hiện các cam kết hội nhập. Về nguyên tắc chúng ta đã cam kết mở cửa cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ, bên cạnh đó chúng ta cũng có công cụ đề điều chỉnh một cách hợp pháp các thị trường bán lẻ trong nước của doanh nghiệp trong nước. Bộ đang xây dựng Đề án chiến lược về phát triển công nghiệp bán lẻ năm 2017 và tầm nhìn đến 2025.Ngoài ra là việc khẩn trưởng xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống hàng rào kỹ thật để bảo vệ những sản phẩm nội địa và thị trường trong nước một cách phù hợp với cam kết hội nhập".
Trong khi đó, các Bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ rào cản về thể chế, đẩy mạnh các hoạt động cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, đối tác, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong tiến trình hội nhập.
Chủ động hội nhập và những thách thức
Một loạt các hiệp định FTA thế hệ mới với phạm vi cam kết rộng, mức độ cam kết sâu, những cơ hội và thách thức đặt ra đối với doanh nghiệp (DN) rất lớn. Kết quả khảo sát 1.500 DN do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố năm 2016 cho thấy 88% doanh nghiệp có kế hoạch cải thiện năng lực sản xuất để tận dụng cơ hội từ các FTA. Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO thuộc VCCI, hầu hết các doanh nghiệp đã sẵn sàng hơn cho các Hiệp định thương mại tự do so với thời gian trước. Sự chủ động hơn của các DN cũng cho thấy họ ý thức rõ ràng hơn về cơ hội của mình nếu tự thân chuyển đổi sản xuất, thay đổi cơ cấu măt hàng, tìm hiểu và nắm chắc thông tin mới về các thị trường xuất khẩu khi FTA có hiệu lực. Theo đó, các vấn đề được DN chuẩn bị nhiều nhất cho các FTA gồm: chất lượng sản phẩm, tận dụng công nghệ và tiếp cận các thị trường mới. Tuy nhiên ở góc độ còn lại, không ít DN vẫn chưa đủ sẵn sàng do các cam kết trong các FTA cơ bản là quá phức tạp. Việc hiểu rõ các cam kết quy định tại các hiệp định FTA (đặc biệt là các cam kết cho phép tiếp cận thị trường đối tác) và vượt qua thách thức cạnh tranh (chủ yếu từ việc mở cửa thị trường cho đối tác nước ngoài) là điều kiện tiên quyết để DN có thể tận dụng các cơ hội cũng như xử lý các rủi ro, thách thức từ các hiệp định FTA. Do đó, yêu cầu đầu tiên là chính các DN phải thực sự nỗ lực để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: "Trong quá trình hội nhập,Việt Nam đang nhận thức rõ hơn bao giờ hết là muốn phát triển được phải dựa vào nội lực, phải tập trung tăng cường nội lực của nền kinh tế, kể cả nội lực của các doanh nghiệp Việt Nam bởi vì không nước nào phát triển được nếu chỉ dựa vào nguồn lực ở bên ngoài. Hội nhập là quan trọng thật nhưng hội nhập quốc tế phải đạt được đồng thời mục tiêu là tăng cường nội lực của đất nước, làm cho Việt Nam mạnh hơn, cạnh tranh hơn trên thế giới thì sự hội nhập đó mới có giá trị".
Năm 2016 Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, có mức độ tự do hóa sâu, phạm vi rộng. Việc chủ động triển khai và tận dụng tốt các lợi thế mà các FTA mang lại góp phần mở ra con đường hội nhập thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cũng như toàn bộ nền kinh tế. Đồng thời, thông qua việc thực thi các cam kết của FTA, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện.